Mong bình yên trở về
Hơn hai năm qua, thế giới thay đổi quá nhiều bởi dịch COVID-19. Hàng trăm triệu người đã nhiễm bệnh, hàng triệu người đã vĩnh viễn ra đi.
Mạng Internet vẫn toàn cầu hóa nhưng những bước chân người thì không. Ngành hàng không, đường sắt, ngành sản xuất ô tô, ngành du lịch… chới với trong cơn khủng hoảng kéo dài. Không ai biết đại dịch sẽ đi đến đâu, đến bao giờ sẽ dừng lại, sau đó sẽ ra sao?
Đây không phải lần đầu nhân loại đối mặt với đại dịch. Đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918 - 1919 đã khiến ít nhất 50 triệu người chết. Cách đây 100 năm, danh họa Edvard Munch (Thụy Điển) đã vẽ bức “Chân dung tự họa sau khi bị cúm Tây Ban Nha” (1919).
Bức tranh thể hiện hình ảnh người họa sĩ hốc hác vì nhiễm bệnh, đang ngồi trên ghế bành, trong trang phục áo choàng và khăn. Không gian hẹp cùng tông màu vàng cam chủ đạo khiến người xem cảm thấy bồn chồn, day dứt.
Bức “Chân dung tự họa sau khi bị cúm Tây Ban Nha” (1919) của Edvard Munch (1863-1944) ra đời thể hiện hình ảnh người họa sĩ hốc hác vì nhiễm bệnh, trong trang phục áo choàng và khăn. Ảnh:VnExpress |
Cũng những ngày tháng đó, họa sĩ Egon Schiele (Áo) đã vẽ bức “The Family” (Gia đình) là bức tranh cuối cùng của ông. Bức tranh vẽ một gia đình trong hố đen đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, cả hai đều mang vẻ mặt u ám, đau buồn, với những vết lở loét màu xanh trên người… Người vợ của Schiele chết vào tháng thứ sáu của thai kỳ, ông qua đời ba ngày sau đó, khi bức tranh vừa xong…
Hoảng loạn, hỗn độn, tang tóc đau thương, vãn hồi sự sống – đó là những gì đã diễn ra trong đại dịch cúm Tây Ban Nha. Thế giới 100 năm sau cũng chứng kiến những gì tương tự, thành quả tiến bộ nhất của y học đã bị xô ngã trước “cơn bão” đại dịch bất ngờ ập tới nhưng y học đã kịp đứng dậy mạnh mẽ với vắc xin ngừa COVID-19 xuất hiện thần tốc, là niềm hy vọng về lối ra trong cơn đại dịch.
Việt Nam trong làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, số ca bệnh tăng nhanh. Nhưng trong “cơn cuồng phong” đại dịch ấy, vẫn tràn ngập trong không gian đất nước TÌNH CẢM LỚN của NGHĨA ĐỒNG BÀO. “Hướng về vùng dịch”, rồi sau đó “Hướng về Sài Gòn”, “Yêu thương gửi vào Sài Gòn”…
Hình ảnh “Những chiếc bánh đồng bào” của nhân dân cả nước nấu xuyên đêm để kịp gửi cho miền Trung trong mưa bão dập dồn cuối năm 2020, giờ được tiếp nối trên hàng nghìn chuyến xe nối nhau chở gạo cơm mắm muối cho bà con TP. Hồ Chí Minh trong tâm dịch năm 2021. Vẫn có những người ngày đêm xả thân cứu người. Có những người gom hàng thiết yếu cứu trợ đến kiệt sức. Có những người lặng lẽ vận chuyển từng bình ô xy, từng bịch thuốc đến địa chỉ người dân...
Những bệnh viện dã chiến mọc lên quanh TP. Hồ Chí Minh để cứu chữa cho dân. Bộ đội cũng “hành quân đi chợ hộ”. Vắc xin Nanocovax của Việt Nam đang được xem xét đánh giá để đề xuất cấp phép mang lại nguồn hy vọng lớn lao. Có lẽ không thừa khi nói về cống hiến của những nhà khoa học nghiên cứu vắc xin, cho phép thử nghiệm trên chính cơ thể mình và người thân.
Nhân loại đang mong bình yên trở lại trên toàn thế giới sau đại dịch COVID-19. Nếu biết bình tĩnh, chấp nhận đối diện, nhân loại sẽ có cách vượt qua. Sống giản dị, chân thành, bản thân luôn nỗ lực không lười biếng, vượt qua cái tôi của mình, nghĩ về những điều tích cực; nếu được, hãy nghĩ về lẽ yêu thương và lẽ vô thường… Cứ thế, cuộc đời sẽ đơn giản biết bao, rồi sự bình yên sẽ trở lại.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nấu các phần ăn hỗ trợ y, bác sĩ, tình nguyện viên phòng, chống dịch. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhưng có câu hỏi đi xa hơn: sẽ ra sao sau đại dịch COVID-19 này? Thế giới chắc chắn sẽ có những thay đổi. Còn ở Việt Nam? Cuộc hồi hương của hàng chục nghìn lao động vừa qua rồi sẽ phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trong những tháng năm tới sau các lũy tre làng.
Các nhà hoạch định chiến lược và các doanh nghiệp đã đến lúc phải nghĩ về việc làm sao để nông dân không ly hương nữa. Miền Trung - Tây Nguyên phải có những khu công nghiệp lớn để thu hút lao động tại chỗ, vừa bảo đảm cấu trúc làng quê hiện đại, vừa tránh lại tiếp diễn những cuộc tháo chạy vì dịch bệnh trong tương lai…
Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc