Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi?

08:27, 21/02/2022

“Những chú voi/Đầm mình vượt sông/Lằn lưng/Cõng khách/Vây vẩy đuôi cụt...” là hình ảnh tôi ghi lại trong bài thơ “Tháng Ba Tây Nguyên” nhân một lần tới Khu du lịch Buôn Đôn cách đây hơn mười năm.

Dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu năm ngoái, tôi lại về Buôn Đôn trong chuyến đi cùng người nhà từ Nghệ An vào thăm thú Tây Nguyên. Những chú voi ở đây vẫn thế, ngày ngày cần mẫn, nhọc nhằn “Đầm mình vượt sông/Lằn lưng/Cõng khách”. Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi bao năm qua, mỗi khi nhắc đến voi Đắk Lắk.

Thân thiện. Ảnh:  Bảo Hưng
Thân thiện với voi. Ảnh: Bảo Hưng

Mới đây nhất, cộng đồng mạng xã hội xôn xao sau khi một du khách đăng tải bài viết và những hình ảnh về voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch trong những ngày Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua.

Chuyện voi “lằn lưng cõng khách” như du khách phản ánh không mới, không lạ. Trước nguy cơ loài động vật quý hiếm này bị đe dọa tuyệt chủng, hơn mười năm trước, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk với tổng kinh phí 61 tỷ đồng. Theo đó, Trung tâm Bảo tồn voi được thành lập với nhiệm vụ quan trọng là “quản lý, bảo tồn các sinh cảnh, quần thể voi hoang dã; thực hiện các chính sách, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe và sinh sản voi nhà; tổ chức giáo dục môi trường, duy trì và phát triển truyền thống quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng voi nhà”.

Năm 2012, HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng thông qua Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi. Mới đây nhất, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh lại tiếp tục thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78 nói trên.

Được biết, từ năm 2016 đến nay Tổ chức Động vật châu Á (AAF)đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền 350.000 USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến Tổ chức Động vật châu Á sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD. Trong đó, sẽ hỗ trợ tài chính cho chủ voi, nài voi để bù đắp phần thu nhập bị mất khi ngừng hoạt động du lịch cưỡi voi, triển khai hỗ trợ mô hình thân thiện voi... Đó quả là một nguồn kinh phí không hề nhỏ nhằm bảo tồn voi, trong đó có yêu cầu chấm dứt bạo lực đối với voi và tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện như AAF đã đề xuất. 

Hiện đã có mô hình du lịch thân thiện đang thu hút du khách yêu động vật hào hứng trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Theo đó, voi được gỡ bành, tháo xích, được thả trong rừng. Du khách trải nghiệm theo voi vào rừng, tìm hiểu đặc tính thú vị của voi.

Có kinh phí, có hành lang pháp lý, có cơ quan chuyên trách việc bảo tồn, có hình mẫu tổ chức du lịch voi thân thiện... Thế nhưng tại sao voi vẫn phải nai lưng ra cõng khách, voi vẫn phải chịu đau đớn, thậm chí là đổ máu để chủ nhân của nó kiếm tiền mưu sinh? Câu trả lời tùy thuộc vào sự quyết liệt trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của địa phương và cơ quan chức năng, cũng như ý thức và trách nhiệm của cả cộng đồng đối với... voi!

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.