Thanh niên và quá trình trao truyền - tiếp nhận giá trị
Ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên số 57/2020/QH14. Theo đó, Điều 1, Chương I của luật này quy định thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi.
Như vậy, thanh niên được xác định là một bộ phận dân cư trong sự phân biệt với các bộ phận dân cư khác của quốc gia dựa trên tiêu chí về độ tuổi. Về mặt sinh học, tuổi thanh niên là giai đoạn cá nhân chuyển biến từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành. Về mặt xã hội, đây là giai đoạn quan trọng của mỗi cá nhân trong việc định hình giá trị học vấn, giá trị nghề nghiệp, giá trị hôn nhân…
Thanh niên huyện Buôn Đôn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Khi xem xét vai trò của nhóm thanh niên với sự phát triển của xã hội, của cộng đồng, thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp nhận, duy trì hệ giá trị xã hội từ những thế hệ đi trước. Nhưng, trong quá trình trao truyền - tiếp nhận này, có một số giá trị được duy trì, hoàn thiện nhưng cũng có giá trị bị thay đổi, thậm chí bị xóa bỏ. Trên các diễn đàn của thanh niên hiện nay, nhiều người thừa nhận rằng, họ cảm thấy ít gắn kết với gia đình, cộng đồng địa phương, nhất là khi so sánh với cha mẹ và ông bà họ. Với sự phổ biến của những loại hình giải trí ảo và các thiết bị di động, giới trẻ cảm thấy những tương tác trực tiếp đang có chiều hướng giảm dần. Bên cạnh đó, thế hệ đi trước cũng thường có tâm lý coi thanh niên là những người chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm, cho dù họ ý thức đầy đủ được rằng việc họ nhường chỗ cho thế hệ trẻ hơn là một tất yếu khách quan. Bởi vậy, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, rất dễ nhận thấy hiện tượng "xung đột" thế hệ, đôi khi khá gay gắt. Dĩ nhiên, ở những bối cảnh xã hội khác nhau thì mức độ xung đột thế hệ là khác nhau.
Cần thấy rằng, với tư cách là một nhóm xã hội đặc thù, thanh niên không chỉ đơn giản là một nhóm được giới hạn duy nhất về độ tuổi mà còn bao gồm rất nhiều các nhóm xã hội nhỏ hơn với sự khác biệt về nguồn gốc xuất thân, nghề nghiệp, trình độ học vấn, tôn giáo, sắc tộc, giới tính, nơi ở... Từ đó, nhóm thanh niên luôn có sự đa dạng về định hướng giá trị, lợi ích, các mô hình ứng xử và lựa chọn xã hội. Vì vậy, khi nhận định về văn hóa thanh niên và lối sống thanh niên cần phải đặc biệt lưu ý đến tính phức hợp và tính đa dạng cao của nhóm xã hội - dân cư này. Đồng thời phải luôn luôn đặt nhóm đó trong mối liên hệ với các nhóm xã hội - dân cư, xã hội - nghề nghiệp, xã hội - giai cấp hoặc những cộng đồng dân cư khác nhau để xem xét, tham chiếu. Từ đó, có những nhận diện đầy đủ hơn về tính đa dạng trong cấu trúc xã hội, trong định hướng giá trị, trong mô thức ứng xử và trong lối sống của thanh niên.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc