Nửa sự thật không còn là sự thật
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh một chiếc xe công vụ đậu trên vỉa hè và nhắc tên một lãnh đạo của tỉnh.
Sự việc bắt đầu từ đoạn clip của một tài khoản Facebook mới lập, đăng tải kèm những thông tin không đúng sự thật, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh. Dù thông tin lấp lửng, một chiều, quy chụp song cộng đồng mạng lại chia sẻ “nhanh đến chóng mặt”.
Hình ảnh chiếc xe biển xanh đăng trên mạng xã hội với thông tin vu khống ông Trần Phú Hùng. (Ảnh: Internet) |
Một số cơ quan báo chí vào cuộc xác minh, phỏng vấn ngay người bị nhắc tên. Vị lãnh đạo ấy đã trả lời rất rõ ràng rằng, bản thân không hề liên quan và thông tin chia sẻ trên mạng không đúng sự thật; cơ quan ông cũng đã mời công an vào cuộc xác minh, điều tra người tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân ông và đơn vị.
Thế nhưng, đáng tiếc, một số cơ quan báo chí lại giật tít, đưa tin theo kiểu “một nửa sự thật” khiến sự việc đẩy đi quá xa, làm “nóng” dư luận nhiều hơn. Đến mức cơ quan của vị lãnh đạo nói trên phải ra thông cáo báo chí yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin không đúng sự thật; đồng thời đề nghị công an vào cuộc điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của người tung tin sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãnh đạo, cơ quan.
Sự việc trên khiến tôi càng thấm thía câu ngạn ngữ rất nổi tiếng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Ngạn ngữ này được áp dụng giúp người làm báo định hướng mọi việc trước khi đặt bút viết. Bởi một trong những yêu cầu cơ bản đối với báo chí là tính chân thực. Việc tìm hiểu, khai thác sự thật cũng có nhiều cách khác nhau. Và trong thời đại công nghệ, trước sức ép chạy đua thông tin, cùng tâm lý “sợ bị bỏ lỡ”, một số người làm báo tìm hiểu thông tin không đến nơi đến chốn, làm cho “sự thật chỉ còn lại một nửa”, thậm chí “sự thật bị bóp méo ít nhiều”. Cái giá cho việc thông tin một cách phiến diện, nửa vời, nói vống lên hoặc xén bớt đi, khiến cho “nửa sự thật không còn là sự thật” và gây ra những hậu quả thật tai hại. Người làm báo mang sứ mệnh phụng sự bạn đọc, và đảm nhận vai trò hết sức quan trọng là đưa tin khách quan, trung thực, góp phần định hướng dư luận xã hội. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt thông tin giữa mạng xã hội với thông tin chính thống trên báo chí.
Vậy nên, người làm báo thời hiện đại đòi hỏi phải có bản lĩnh, sự nhạy cảm chính trị, có trực giác nghề nghiệp, để đưa ra nhận định trước thông tin, đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào và khai thác đến đâu là vừa vặn.
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc