Multimedia Đọc Báo in

Những dấu chân nơi cửa khẩu… (kỳ 2)

07:40, 10/08/2023

Kỳ 2: Hoa nở miền biên theo dấu chân anh

Những dấu chân khắc bằng xương máu cha anh trong lịch sử đã chặn đứng quân thù với dã tâm xâm phạm cương vực lãnh thổ Tổ quốc. Những dấu chân khắc bằng mồ hôi, tâm sức của người lính quân hàm xanh lại tiếp bước để đất biên cương nơi cửa khẩu nở hoa, kết trái ngọt bằng những thành quả, đổi thay trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cuộc sống, sinh kế làm ăn của nhân dân nơi cửa khẩu biên giới in đậm dấu chân người lính biên phòng.

Bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên cương.

Bò sinh kế của bộ đội Đắk Ruê

Cánh cửa nghèo khó của gia đình bà Phạm Thị Liên (ở thôn 1, xã Ea Bung, huyện Ea Súp) đã dần khép lại từ khi có… con bò giống mà bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) trao tặng năm 2017. Kể cả trong mơ bà cũng không dám mơ có người tặng cả một món quà giá trị như thế.

Ngày nhận bò, bà mừng rơi nước mắt và rồi lại lo không biết chăm sao cho bò nhanh lớn, vừa không phụ tấm lòng bộ đội, vừa có kế sinh nhai cho gia đình mình. Nhà mạnh thường quân mang màu xanh áo lính lại là người đồng hành hướng dẫn bà kỹ thuật chăn thả, làm chuồng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày và rào lưới để ngăn sự tấn công của côn trùng đến vật nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ; trồng cỏ và tích trữ thêm rơm khô thu gom từ sau mùa gặt để chủ động nguồn thức ăn cho bò.

Từ chỗ chỉ có một con bò, đến nay, bà Liên đã có đàn bò lên đến 8 con. Ngôi nhà mới khang trang hơn 200 triệu đồng mà bà và gia đình người con gái vừa hoàn thành cũng được chắt chiu, gây dựng từ vốn liếng là con bò sinh kế thoát nghèo của bộ đội tặng.

Từ thực tiễn sinh động như câu chuyện giúp dân thoát nghèo của gia đình bà Liên, những đảng viên biên phòng tăng cường về sinh hoạt Đảng tại địa phương đã tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền tìm cách làm, xây dựng mô hình sản xuất mới để đồng hành với bà con trong làm kinh tế. Năm 2020, Đảng ủy xã Ea Bung đã xây dựng Nghị quyết về phát triển đàn bò, hỗ trợ trồng cỏ và các mô hình chăn nuôi bò có hiệu quả trên địa bàn xã Ea Bung giai đoạn 2020 - 2025.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê thăm mô hình nuôi bò của gia đình bà Phạm Thị Liên.

Ngay sau khi nghị quyết ban hành, các cấp chính quyền từ xã đến thôn, buôn phối hợp cùng bộ đội biên phòng tập trung tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại để nuôi bò; quan tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm phòng, bảo vệ môi trường... bảo đảm đàn vật nuôi khỏe mạnh. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi về vốn đã tạo điều kiện để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển đàn vật nuôi.

Nhiều hộ dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang hàng hóa, từ thả rông sang nuôi nhốt, đa dạng hóa nguồn thức ăn, mở rộng quy mô chuồng trại. Từ việc nuôi 1 - 2 con bò thả rông, hiện nhiều nông hộ trong xã đã gây dựng đàn với số lượng gần 10 con, cho thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/năm, đưa chăn nuôi trở thành hướng phát triển kinh tế ở địa phương.

Nếu như năm 2019, đàn bò ở xã Ea Bung có quy mô chỉ 24 con thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 156 con và sau hai năm thực hiện nghị quyết, quy mô tổng đàn đã tăng lên gấp đôi. Theo chỉ tiêu nghị quyết, phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn bò ở địa phương có 450 con là mục tiêu dễ dàng đạt được trong tầm tay.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh chia sẻ, rõ nét nhất là thay đổi trong suy nghĩ, tư duy và cách làm kinh tế hộ gia đình của người dân. Đó mới chính là yếu tố căn cốt, bền vững để nâng cao chất lượng đời sống. Sự đổi thay này có công sức đồng hành của bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê.

Từ “vùng trắng” thành xã nông thôn mới đầu tiên trên biên giới

Tháng 12/2015, Ia Dom (huyện Đức Cơ) - một xã đặc biệt khó khăn đã trở thành xã đầu tiên trên tuyến biên giới được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ia Dom có tên trên bản đồ hành chính của huyện trên cơ sở tách ra từ xã Ia Kla năm 1990. Xuất phát điểm của Ia Dom sau khi thành lập là cả “vùng trắng” về mọi mặt. Các công trình hạ tầng phục vụ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội thiếu hụt toàn diện, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu về phát triển dân trí và cải thiện đời sống dân sinh. Nạn mù chữ, thất học, mê tín dị đoan như bóng ma lẩn khuất ở khắp các ngôi nhà, góc làng.

Ia Dom là vùng đất khắc nghiệt, là cái rốn sốt rét của cả tuyến biên giới Gia Lai nên hằng năm các loại dịch bệnh liên tục bùng phát. Người già, trẻ con là những đối tượng nằm trong vùng nguy cơ tử vong cao nhất, có năm chỉ trong ít ngày dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng hàng chục con người. Ngày ấy chỉ có một thứ lan rộng và "phát triển" mạnh là… các loại hủ tục lạc hậu. Ai ốm đau thì cúng, mùa màng thất bát cũng cúng.

"Vùng trắng" Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) ngày một đổi thay và tiếp tục được đầu tư xây dựng hạ tầng.

Sự hiện diện của những người lính Đồn Biên phòng Ia Kla (tên gọi của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trước đây) tựa như câu chuyện cổ tích về những tiên ông giữa đời thường đã giúp cho người dân vùng biên giới Ia Dom thoát khỏi cơn mê để xây dựng cuộc sống mới.

Giai đoạn 1992 – 2002, ngay sau chương trình phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ ở các cấp, bộ đội biên phòng tiếp tục ký kết với ngành giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, Mặt trận Tổ quốc, hội nông dân nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trên tất cả các mặt xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, chăm lo sức khỏe… Cách làm là theo hình thức tạo sóng lan truyền, tập trung vận động hướng dẫn hội viên các tổ chức, đoàn thể gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nhân rộng trên tất cả các thôn làng.

Giai đoạn 2010 - 2019, công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Ia Dom được đẩy mạnh. Nhớ mãi khoảng thời gian này là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai chia sẻ: Bên cạnh huy động lực lượng tại chỗ là cán bộ, chiến sĩ của Đồn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã thành lập bộ phận chuyên trách xây dựng nông thôn mới. Mỗi cán bộ một nhiệm vụ được đặt ra với việc bám sát các thôn làng, tăng cường công tác vận động, kết hợp giúp bà con và chính quyền cơ sở trên tất cả mọi lĩnh vực. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã đồng hành với xã Ia Dom thực hiện đa phong trào để tạo sự chuyển biến trên các mặt trận, thông qua các mô hình: bếp ăn tình thương, con nuôi đồn biên phòng, nâng bước em đến trường, mái ấm cho người nghèo, bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Chủ tịch UBND xã Ia Dom Nguyễn Quốc Anh bày tỏ: Bộ đội biên phòng đã tham mưu xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, góp công góp sức hỗ trợ làm đường, giảm nghèo, bày cho cách nghĩ cách làm. Cuộc sống của người dân Ia Dom đã sang trang mới. Tính đến ngày 30/5/2023, thu ngân sách xã hưởng (không tính thu trợ cấp từ ngân sách cấp trên) được trên 2,5 tỷ đồng, đạt 111,54% kế hoạch. 7/7 thôn, làng của xã Ia Dom hiện đang tiệm cận với đích nông thôn mới. Chính quyền và đồng bào đều hiểu Ia Dom sẽ không “cán đích” xây dựng nông thôn mới nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ đầy trách nhiệm của bộ đội biên phòng.

Cánh đồng Đắk Huýt và cây lúa của bộ đội

Nơi phên giậu cửa khẩu ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, gần 20 năm qua, có một cánh đồng mang tên Đắk Huýt đã làm nên những mùa vàng no ấm. Cánh đồng hơn 20 ha này đã tạo kế sinh nhai, cung cấp cái ăn nuôi sống hàng trăm hộ đồng bào nơi đây.

Cây lúa trên cánh đồng Đắk Huýt đã giúp cuộc sống của đồng bào ở xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) thêm ấm no.

Đồng bào M’nông ở vùng biên xã Quảng Trực vốn quen với việc làm lúa nương, lên rẫy, đời sống có lúc bấp bênh, chẳng đủ ăn. Huyện Đắk Rlấp lúc đó (nay tách ra thành huyện Tuy Đức và Đắk Rlấp) có chủ trương làm sao để mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chủ động cái ăn tại chỗ. Đóng quân trên địa bàn, năm 2001, cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Bu Prăng, Tuy Đức, Bu Cháp... quyết tâm đưa cây lúa nước lên trồng, giúp đồng bào cách canh tác mới.

Ông Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực nhớ lại, chương trình khai hoang trồng lúa nước, tăng vụ, tăng năng suất của bộ đội biên phòng đứng chân tại địa phương lúc đó có ý nghĩa tiên phong, “phất cờ” đầu tiên để người M’nông làm theo. “Cây lúa của bộ đội” từ đó đã mở ra một hy vọng mới nơi vùng đất này.

Cánh đồng Đắk Huýt khi ấy vốn là vùng trũng, đất rừng sình lầy, đầy cỏ dại. Việc biến một vùng đất hoang hóa thành ruộng lúa màu mỡ là điều không hề dễ. Bộ đội đã huy động lực lượng khai khẩn đất hoang, tập trung san bằng đất, thực hiện các biện pháp dẫn nước nhập điền, sục bùn, bón phân, xuống giống... để trồng lúa. Tất cả đều làm thủ công bằng sức người là chính, với các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, sức trâu, bò... Quá trình khai hoang, đưa cây lúa nước lên trồng được chia làm nhiều đợt, có đợt kéo dài cả tháng ròng.

“Lần đầu tiên nhìn thấy cây lúa xanh non mọc lên từ chân ruộng nước, bà con ai cũng ngạc nhiên. Bội đội làm đến đâu, bà con trầm trồ đến đó. Họ vừa tò mò, vừa háo hức chờ đợi” – Đại tá Bùi Đức Chính, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Đức nhớ lại.

Bộ đội biên phòng giúp dân cấy lúa trên cánh đồng Đắk Huýt.

Đất không phụ công người, cánh đồng hoang đã được đổi đời thành những ruộng lúa màu mỡ. Trải qua hơn 20 năm, từ chỗ cầm tay chỉ việc, đến nay bà con ở đây đã tự làm được lúa nước, năm hai vụ, cho năng suất 54 tạ/ha. Không chỉ bảo đảm lương thực mà nhiều hộ còn biến cây lúa thành sản phẩm hàng hóa. Bon Bu Prăng 2 có 95 hộ, 100% là đồng bào M’nông. Bon trưởng Bùi Minh Hải (theo vợ là người M’nông về sinh sống ở đây) giãi bày: “Ăn bát cơm dẻo thơm mỗi ngày, đồng bào luôn nhớ đến những người lính biên phòng đã tập trung nhiều công sức biến đất hoang thành ruộng lúa, giúp dân trồng lúa nước để cải thiện cuộc sống”.

Dấu ấn trên mặt trận kinh tế của người lính biên phòng hiện diện trong cuộc sống ngày một đủ đầy hơn ở mỗi bon, buôn, thôn, làng hôm nay. Đồng bào miền biên nơi cửa khẩu gọi đó là những dấu chân đi mở đất.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Đồng bào là anh em ruột thịt

Đàm Thuần – Quỳnh Anh – Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.