Kỳ vọng bứt phá từ các dự án cao tốc
Cùng với Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, 2 tuyến giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh nhà.
Xây dựng mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ đi qua, với tổng chiều dài hơn 811 km, nối liền tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Cụ thể, đường Hồ Chí Minh nối với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông; đường Trường Sơn Đông nối với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Lâm Đồng; Quốc lộ 26 nối với tỉnh Khánh Hòa; Quốc lộ 29 nối với tỉnh Phú Yên và cửa khẩu Đắk Ruê (khu vực biên giới Việt Nam, Campuchia); Quốc lộ 27 nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận… Mạng lưới giao thông đường bộ đối nội dài khoảng 18.895 km, trong đó đường tỉnh dài 416 km, đường đô thị dài gần 921 km, đường huyện dài 1.375 km, đường giao thông nông thôn dài hơn 16.128 km, đường chuyên dùng dài 13 km và đường tuần tra biên giới dài 41 km.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, tăng cường khả năng liên kết, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc. |
Theo Quy hoạch được phê duyệt, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh sẽ được xây dựng đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng và công tác thi công công trình đang được khẩn trương triển khai.
Cùng với tuyến cao tốc này, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Bắc – Nam phía Tây (ký hiệu CT.02) sẽ được đầu tư xây dựng. Tuyến cao tốc này có hai đoạn gồm cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuột, chiều dài dự kiến 160 km, quy mô 6 làn xe; cao tốc Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa, chiều dài dự kiến 105 km, quy mô 6 làn xe. Đây là tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng trước năm 2030 và kết nối các dự án cao tốc đang triển khai xây dựng trong khu vực, từng bước đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng cao, phù hợp với phát triển vận chuyển hành khách hằng năm.
Triển khai Quy hoạch hiệu lực, hiệu quả
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, thời gian qua, tỉnh và các sở, ngành đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Cụ thể, ngày 11/3/2024, UBND tỉnh đã có Công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đăng ký danh mục đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây ưu tiên đầu tư trước năm 2030. Tỉnh khẳng định, việc ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuột và cao tốc Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa) sẽ góp phần phát huy hiệu quả của các Dự án cao tốc khu vực Tây Nguyên dự kiến hoàn thành năm 2026 và trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và Quy hoạch của các địa phương.
Thi công Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện M'Drắk. |
Trước đó, vào cuối tháng 2/2024 tỉnh cũng có tờ trình về việc sớm triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (ký hiệu CT.23). Tuyến cao tốc này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk có tổng chiều dài 220 km, điểm đầu tại Cảng Bãi Gốc (tỉnh Phú Yên), điểm cuối tại Cửa khẩu Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk), quy mô 4 làn xe, thời gian đầu tư sau năm 2030. Đây là tuyến kết nối với các trục giao thông trọng yếu quan trọng của quốc gia như tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, Quốc lộ 29, Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C và các tuyến tỉnh lộ của hai tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên xác định, đây là trục đường chiến lược kết nối Đông - Tây, kết nối rừng với biển; kết nối hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; tuyến đi qua các cảng cạn trên hành lang vận tải Đông - Tây, Bắc - Nam, mở ra phương thức vận chuyển khối lượng lớn, có giá cước vận chuyển thấp, năng suất cao. Điều này còn làm tăng khả năng liên kết vùng, kết nối giao thông đa phương thức, thuận lợi. Từ đó, nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Võ Kế Thắng khẳng định, cùng với Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang được triển khai, các dự án cao tốc còn lại đã được đưa vào quy hoạch sẽ là động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, là tuyến giao thông chất lượng cao, có tính chiến lược, liên kết khu vực. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc