Đắk Lắk trong ký ức của những người "mở đường"
Gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk, những đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh đã dành trọn tuổi trẻ, nhiệt huyết, bản lĩnh, trí tuệ để cùng với quân và dân trong tỉnh đấu tranh giải phóng, dựng xây mảnh đất Tây Nguyên ruột thịt. Những người "mở đường” năm xưa đã tóc bạc, da mồi nhưng chí khí người đảng viên vẫn son sắt một lòng.
♦ Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn An Vinh: Quân dân một lòng vừa đánh giặc, vừa mở rộng vùng sản xuất
Tròn 20 tuổi, tôi vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian tham gia công tác, hoạt động phong trào thanh niên tại tỉnh Bắc Kạn. Đầu năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường vào chi viện cho chiến trường miền Nam (đi B). Khi vào công tác tại khu căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk ở huyện Krông Bông, tôi là Phó Ban Thường trực Ban Sản xuất tỉnh, Chánh Văn phòng của UBND cách mạng lâm thời tỉnh.
Đồng chí Nguyễn An Vinh. |
Lúc bấy giờ, địch thường xuyên tổ chức càn quét, đánh phá các cơ sở của ta và buôn làng. Hoạt động của Ban Sản xuất tỉnh chủ yếu ở vùng giải phóng và vùng căn cứ ở huyện Krông Bông. Tôi cùng các anh em tìm cách liên hệ với cơ sở của ta tại các đồn điền, trong vùng chưa giải phóng, vùng địch tạm chiếm, thậm chí băng rừng, lội suối xuống tận Phú Yên để mua giống về cung cấp, hướng dẫn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gieo trồng; đắp các đập nhỏ bằng tre nứa để đưa nước vào đồng ruộng. Nhờ giải quyết được vấn đề giống và nước tưới, bà con vùng Krông Bông, Lắk đã sản xuất được cả vụ mùa và vụ đông xuân, trồng bắp, sắn, tự túc được lương thực hằng ngày và cung cấp cho cán bộ, bộ đội.
Sau giải phóng năm 1975, tôi là Quyền Trưởng Ty Nông – Lâm, cùng đoàn Dân – Chính đi tiếp quản các cơ sở kinh tế, các đồn điền của tư nhân người nước ngoài như Pháp, Ý, Hoa kiều để thành lập nên các nông trường cà phê, cao su, tổ chức lại sản xuất, vận động, giáo dục công nhân các đồn điền trở thành công nhân nông trường. Từ năm 1977 đến năm 2001, tôi đảm trách nhiều vị trí công tác như: Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy, tôi đã cùng lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khai hoang, xây dựng các cánh đồng, mở rộng sản xuất, chỉ đạo xây dựng các công trình thủy lợi như: Ea Kao (hồ Ea Kao hiện nay), Krông Búk hạ, Ea Súp, hồ Ea Nhái, hồ buôn Triết. Đồng thời, tổ chức định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng các vùng kinh tế mới; tập trung xây dựng, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, các thị trấn, huyện lỵ, mở rộng hệ thống giao thông, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về bộ mặt của tỉnh, đời sống của người dân.
84 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, đối với tôi, không gì vui bằng sự đổi thay “một trời một vực” của tỉnh về mọi mặt. Khoa học - kỹ thuật được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất. Tôi mong muốn các thế hệ cán bộ, lãnh đạo tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng Đắk Lắk tương xứng với tiềm năng, vị thế của một tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên.
Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột trong ngày hội lớn. Ảnh: Hữu Hùng |
♦ Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài): Dựa vào dân, tin dân và được dân che chở
Sinh năm 1932, trong gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Phú Yên, từ năm 13 tuổi, tôi đã tham gia du kích ở địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi hoạt động cách mạng tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 18 tuổi.
Năm 1959, tôi được điều đến công tác tại quận Lạc Thiện (huyện Lắk hiện nay) để tuyên truyền, vận động nhân dân, phát triển cơ sở từ huyện Lắk đến phía tây Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng nhằm kết nối các tỉnh, tạo hành lang chiến lược Đông Trường Sơn, đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, vũ khí, thuốc men từ Bắc vào Nam. Thời điểm đó, khi địch càn quét dữ dội, tôi đã chỉ huy lực lượng du kích và bà con các buôn làng rút sâu vào trú ẩn trong hang đá ba tầng ở xã Krông Nô (huyện Lắk). Khi bị địch phát hiện, tôi hướng dẫn mọi người men theo đường nước chảy để di chuyển sang hang đá khác trú ẩn nên thoát chết trong gang tấc. Bà con đã vui mừng gọi là “Hang đá Ama H’Oanh”. Sau này, hang đá ba tầng được công nhận là di tích lịch sử.
Đồng chí Tô Tấn Tài. |
Sau khi xây dựng căn cứ, lực lượng ở huyện Lắk, năm 1968, tôi được điều về tỉnh, đi chỉ đạo phong trào cách mạng ở các huyện, vận động nhân dân nổi dậy thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thời điểm đó, tôi làm Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên huấn, vừa chỉ đạo đấu tranh chính trị, binh vận ở căn cứ Krông Bông, vừa tổ chức vận động quần chúng, chỉ đạo sản xuất.
Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, với vai trò Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột, tôi được Thường vụ Khu ủy Khu 5 giao nhiệm vụ vạch kế hoạch đưa lực lượng vào phối hợp với bộ đội chủ lực để giải phóng Buôn Ma Thuột. Nhờ thông thuộc địa bàn, nắm dân, tôi đã chỉ đạo thực hiện công tác vận động chính trị, phát động quần chúng, quy tụ các lực lượng nổi dậy để ủng hộ, hỗ trợ bộ đội đánh bằng mọi khả năng. Truyền đơn được soạn thảo, rải khắp nơi để kêu gọi, hiệu triệu binh lính, sĩ quan, chức sắc tôn giáo ủng hộ cho cuộc tổng tấn công. Khi bộ đội đánh chiếm được chỗ nào thì lực lượng của ta tổ chức chiếm lĩnh, quản lý.
Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tôi tham gia cùng lực lượng của tỉnh chống FULRO. Sau thời gian 4 năm làm Trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Đắk Lắk đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (năm 1982 đến 1986), tháng 11/1987, tôi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột. Từ năm 1988 đến khi nghỉ hưu vào năm 1997, tôi làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Trải qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, truy quét FULRO và góp sức giúp nước bạn Campuchia, bao lần cận kề cái chết, khó khăn, gian khổ không sao kể hết, nhưng so với các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì mảnh đất này, tôi thấy mình thật may mắn. Tất cả cũng nhờ biết dựa vào dân, tin dân và được dân che chở. Tỉnh Đắk Lắk ngày nay phát triển vượt bậc, tuy nhiên, ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi chỉ mong sao tỉnh quan tâm, chăm lo hơn nữa để vùng nông thôn không thua kém quá xa vùng thành thị.
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc