Multimedia Đọc Báo in

Giá cà phê tăng: Chuỗi cung ứng gặp nhiều áp lực

08:08, 03/05/2024

Giá cà phê ngày 2/5 tại các tỉnh Tây Nguyên đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho các nhà rang xay, hàng quán kinh doanh thức uống cà phê.

Nhà rang xay thiếu tiền và thiếu hàng

Việc giá nguyên liệu tăng nhanh và quá cao khiến áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp (DN), đơn vị rang xay. Bởi, nếu không tăng giá thì càng sản xuất càng lỗ, nhưng nếu tăng giá quá cao sẽ mất khách hàng, giảm sản lượng bán ra.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, nhiều DN đã tăng giá 3 - 4 lần nhưng vẫn không theo kịp với sự tăng giá nguyên liệu đầu vào. Đó chưa kể việc khan hiếm nguồn cung khiến việc đáp ứng các đơn hàng đúng thời hạn cũng gặp khó.

Bà Huỳnh Thị Hoài, chủ cơ sở rang xay cà phê Ngọc Trâm (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cho biết, cơ sở của bà cung ứng sản phẩm (hạt rang và cà phê bột) cho thị trường với khối lượng khoảng 500 kg/tháng.

Hiện nay, để mua được cà phê hạt về rang xay, mức giá thực tế mà cơ sở phải trả thường cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg.

Trong một năm qua, giá cà phê đã tăng gấp ba lần nên không có đủ nguồn lực để xoay vòng vốn và mua hàng dự trữ, khiến việc sản xuất của cơ sở phải hoạt động theo kiểu cầm chừng. Bên cạnh đó, việc giá đầu vào tăng cao buộc nhà sản xuất phải tăng giá thành sản phẩm chế biến.

Tuy nhiên, mức tăng cũng phải được tính toán phù hợp để giữ chân khách hàng nên cơ sở chấp nhận hạ thấp lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra chất lượng cà phê rang xay trước khi đóng gói. Ảnh: Tuyết Mai

“Giá cà phê nguyên liệu đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, nhưng cơ sở cũng chỉ bán sản phẩm với giá 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, cơ sở không có lãi mà còn bị lỗ. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng đơn đặt hàng cũng đã giảm đi một nửa so với trước, bởi khách hàng cắt giảm chi tiêu vào cà phê do giá cao”, bà Hoài than thở.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,9 tỷ USD (tăng 4,9% về lượng và giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá xuất khẩu tăng cao). Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta nhiều nhất, với 515.164 tấn, kim ngạch gần 1,6 tỷ USD.

Việc giá cà phê tăng quá cao cũng đã khiến các DN, đơn vị rang xay gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng.

Ông Lê Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mỗi tháng, công ty cần khoảng 10 tấn cà phê nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn nguyên liệu của công ty chủ yếu được thu mua trực tiếp từ người dân và liên kết với các hợp tác xã.

Hiện nay, dù giá cà phê tăng cao nhưng đơn vị lại gặp khó trong việc mua hàng, bởi phần lớn người dân đã bán cà phê quả tươi ngay từ đầu vụ nên số lượng cà phê nhân trong dân không còn nhiều, trong khi đó các hợp tác xã thì đang trữ hàng lại, chưa vội bán ra.

Cùng với việc nguồn hàng khan hiếm thì giá tăng cao liên tục cũng khiến công ty khó khăn về nguồn vốn.

“Nếu như vào tháng 2/2024, chỉ cần khoảng 90 triệu đồng là đã mua được một tấn nguyên liệu thì nay phải cần đến hơn 130 triệu đồng. Với khối lượng mua hàng trăm tấn thì số vốn sẽ đội lên rất nhiều. Do đó, trong giai đoạn này, dựa trên năng lực tài chính mà công ty sẽ có kế hoạch thu mua phù hợp với nhu cầu sản xuất chứ không dám "ôm" hàng để tránh rủi ro”, ông Bằng cho hay.

Quán cà phê dè dặt… tăng giá bán

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng đã khiến các chủ quán cà phê lo lắng về giá bán lẻ trong bối cảnh sức tiêu dùng còn chậm. Theo tìm hiểu, giá bán của một ly cà phê cũng đã được một số hàng quán điều chỉnh, nhưng không đáng kể nhằm giữ chân khách hàng.

Anh Đinh Hữu Đạt, chủ quán cà phê Ý Tưởng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, từ đầu năm đến nay, quán liên tục nhận được thông báo điều chỉnh giá cà phê nguyên liệu từ đơn vị cung cấp, với mức tăng giá mỗi lần dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Hiện nay, mức giá cà phê nguyên liệu mà quán lấy vào đã tăng lên 200.000 đồng/kg (tăng 60.000 đồng/kg so với đầu năm).

Theo đà tăng của giá nguyên liệu thì giá bán cũng phải tăng, nhưng thực tế việc tăng giá trên mỗi ly cà phê là không hề dễ. “Từ tháng 2/2024, quán đã tiến hành điều chỉnh tăng giá bán thêm 2.000 đồng/ly cà phê. Đến nay quán chưa dám điều chỉnh tiếp mặc dù giá nguyên liệu tăng theo từng ngày. Với giá bán này, quán gần như không có lãi, nhưng đành chấp nhận, thà giảm lợi nhuận còn hơn mất khách”, anh Đạt chia sẻ.

Cà phê tăng giá và khan hiếm nguồn cung là thách thức lớn cho việc mở rộng thị trường cà phê đặc sản. Ảnh: Minh Thuận

Cũng trong tình cảnh này, quán cà phê Rainy  – một quán khá lớn ở TP. Buôn Ma Thuột cũng chỉ dám tăng thêm 2.000 đồng/ly cà phê, bởi tăng cao sẽ mất khách hàng. Bà Phùng Thị Bảo Ngọc, chủ quán cà phê Rainy cho biết, với giá nguyên liệu như hiện tại, giá bán mỗi ly cà phê phải ở mức 25.000 đồng thì các quán mới có lãi. Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh nên không quán nào dám tăng giá ly cà phê theo đúng giá thị trường. Để bảo đảm thu nhập, hiện quán cà phê Rainy phải cắt giảm 50% nhân viên so với trước đây. Đồng thời, huy động lực lượng trong gia đình tham gia phục vụ quán theo kiểu "lấy công làm lãi".

Nhiều quán bán cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản kinh doanh theo mô hình chuỗi “Từ trang trại đến ly cà phê” cũng không dám tăng giá bán ở phân khúc này (vì không thể bán với giá cao hơn nữa) để giữ chân khách hàng, duy trì hoạt động của quán. Tuy nhiên, với sự leo thang về giá và khan hiếm nguồn cung vẫn còn tiếp diễn thì đây sẽ là một thách thức lớn cho việc mở rộng thị trường ở phân khúc cà phê đặc sản.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, giá cà phê trong nước đang cao hơn so với giá thị trường quốc tế. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua, cung ứng và kinh doanh cà phê xuất khẩu; tiềm ẩn nhiều rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng khi nhiều DN không có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Mặt khác, nếu người tiêu dùng vẫn không chấp nhận trả giá cao hơn cho một ly cà phê thì nguy cơ cà phê giả, cà phê không đảm bảo chất lượng sẽ quay lại thị trường.

Minh Thuận – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.