Những nghĩa cử với người có công
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, công tác chăm sóc người có công, gia đình chính sách luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện với những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Nâng cao đời sống vật chất
Chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp, đó vừa là trách nhiệm, tình cảm, vừa là vinh dự của mỗi tổ chức, cá nhân nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước để đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do. Đặc biệt, với những trường hợp gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, công tác này càng được chú trọng.
Trong đó, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình, đối tượng chính sách đã và đang được đẩy mạnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện còn trên 500 hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa; trong đó, hỗ trợ xây mới khoảng 280 căn. Trước thực tế đó, trong năm 2024, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn vận động, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 40 căn nhà. Phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ xóa hết nhà tạm cho các gia đình chính sách.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đố (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ). |
Là một trong những trường hợp được hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm 2024, căn nhà xây kiên cố vững chãi của gia đình ông Ngô Quang Vinh (con liệt sĩ, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đang dần được hoàn thiện. Theo ông Vinh, căn nhà ván cũ trước đây của gia đình được dựng từ năm 1999 và đã xuống cấp từ nhiều năm nay, nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn nên mãi vẫn chưa có điều kiện để xây lại. Đầu năm 2024, được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp hỗ trợ 100 triệu đồng, gia đình ông đã vay mượn thêm để xây dựng căn nhà với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Có được căn nhà mới, gia đình ông rất vui mừng, phấn khởi.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay đơn vị đang quản lý gần 60.000 đối tượng hưởng các chế độ chính sách; trong đó có hơn 45.000 người có công, thân nhân người có công và hơn 14.000 đối tượng liên quan khác. Đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 10.000 người, với tổng kinh phí chi trả hơn 25 tỷ đồng/tháng. |
Với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhằm tri ân những đóng góp to lớn, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách chăm lo đời sống các Mẹ bằng nhiều việc làm cụ thể.
Những ngày này, căn nhà nhỏ của Mẹ Nguyễn Thị Thương (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) luôn nhộn nhịp các đoàn đến thăm, tặng quà. Mẹ Thương có chồng và một con trai là liệt sĩ. Mẹ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2014. Đến tháng 6/2015, với tinh thần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk đăng ký nhận phụng dưỡng Mẹ và tháng 1/2017, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột cũng nhận phụng dưỡng Mẹ. Năm nay Mẹ Thương đã 90 tuổi, sức khỏe yếu nên không thể đi lại được, việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều phải dựa vào con cái. Ông Đỗ Đăng Khoảnh, con trai Mẹ chia sẻ, gia đình có hai liệt sĩ và bản thân ông Khoảnh cũng từng tham gia chiến đấu nên khi Mẹ được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, các thành viên trong gia đình rất xúc động. Đây là việc làm kịp thời, không chỉ động viên về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để Mẹ và gia đình ông có cuộc sống tốt hơn.
Hiện nay toàn tỉnh còn 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng và đều được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời.
Tưởng nhớ tri ân
Mỗi năm, vào những ngày tháng Bảy, trên khắp mọi miền Tổ quốc, các hoạt động tưởng nhớ, tri ân người có công với cách mạng, những người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, hy sinh cho Tổ quốc đều được quan tâm thực hiện. Tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công. Trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ đang diễn ra những việc làm thiết thực như dọn dẹp, vệ sinh, nhang khói cho các phần mộ. Hay ở một số gia đình người có công, các bạn trẻ lại sum vầy, tề tựu chuẩn bị bữa cơm tươm tất để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ...
Tuổi trẻ Công an tỉnh lau dọn phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Anh Phương |
Cùng với những hoạt động trên, các cấp chính quyền, địa phương cũng đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" thiết thực như: Thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xem xét để giải quyết chế độ; quản lý, chi trả kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng chính sách; thực hiện tốt công tác tiếp đón thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng và di chuyển mộ liệt sĩ... Ngoài ra, 184/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh duy trì làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công; bảo đảm cho hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nhân dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, toàn tỉnh có hơn 15.000 đối tượng được thăm hỏi, tặng quà. Trong đó, quà của Chủ tịch nước có tổng trị giá gần 4 tỷ đồng, quà của tỉnh hơn 6 tỷ đồng và các địa phương, đơn vị sẽ trao tặng quà với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Tất cả các đối tượng chính sách, người có công đều sẽ được tặng quà trong dịp này. Mỗi phần quà tuy không lớn nhưng thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền, đơn vị, địa phương đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công”.
Trước đó, từ nguồn kinh phí các cấp, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức đưa 35 người có công tiêu biểu đi tham quan các tỉnh miền Trung và miền Bắc; 24 người đi tham quan các tỉnh phía Nam; đưa 187 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung và Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Vĩnh Long...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc