Multimedia Đọc Báo in

Sinh kế bền vững từ vốn quý văn hóa

08:09, 28/07/2024

Đắk Lắk đang định hình và đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương.

Định hướng này không chỉ mở ra cơ hội cho du lịch bứt phá, quan trọng hơn là sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ khai thác du lịch, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Người dân chủ động

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành đã tạo sức hút lớn đối với du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nổi bật trong số đó là Khu du lịch buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là “buôn trong phố” hiếm hoi của Tây Nguyên còn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, độc đáo của người Êđê như nhà dài, văn hóa cồng chiêng, tượng gỗ...

Thế nhưng để bảo tồn được những giá trị, bản sắc độc đáo đó trong bối cảnh hội nhập và đô thị hóa mạnh mẽ là cả một quá trình và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, cố già làng Ama H’rin đã đưa theo một số hộ dân ở M’Drắk đến định cư và lập buôn Akô Dhông.

Trải qua bao thăng trầm, các thế hệ con cháu của già Ama H’rin đang kế thừa và phát huy rất tốt những giá trị truyền thống, giúp Akô Dhông trở thành một trong những buôn giàu đẹp nhất Tây Nguyên.

Theo nhiều người dân trong buôn, trong suốt quá trình đó, cái khó nhất là làm sao để vừa lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, vừa bảo đảm được đời sống hằng ngày, thậm chí là có cuộc sống khá giả hơn. “Bài toán” khó đó đã được bà con nơi đây tìm ra “lời giải” theo cách tối ưu nhất, đó là phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.

Du khách trải nghiệm làm và thưởng thức rượu cần ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk). Ảnh: Nguyễn Gia

Ngay cả gia đình già làng buôn Akô Dhông (là con rể của già Ama H’rin) là ông Ama Jenny cũng mở mô hình kinh doanh, dựa trên nền tảng văn hóa của cha ông để lại. Ông Ama Jenny chia sẻ, việc tham gia kinh doanh du lịch không chỉ giúp bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê đến với nhiều người hơn mà còn mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình ông và cộng đồng nơi đây. Điều quan trọng không kém là người dân trong buôn làm du lịch sẽ giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình không bị “méo mó”. Tất cả không gian ở Akô Dhông đều mang bản sắc của người bản địa và hơn 90% người làm du lịch ở đây đều là người Êđê.

Đến đầu tháng 3/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố buôn Akô Dhông là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh như tiếp thêm “động lực” cho đồng bào nơi đây theo đuổi mục tiêu mình đã đề ra. Và thực tế là đến nay, buôn Akô Dhông đã trở thành một trong những “điểm nhấn” quan trọng, một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột.

Cộng đồng tiếp sức

Không chỉ người dân, cộng đồng đồng bào DTTS phát huy, “biến” bản sắc văn hóa dân tộc trở thành sinh kế bền vững, nhiều doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tận dụng tốt những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trong chiến lược kinh doanh của mình.

Điều đó không chỉ giúp sản phẩm du lịch của tỉnh đa dạng, mang những bản sắc độc đáo riêng có, mà còn giúp người dân cải thiện cuộc sống của mình. Trong số đó, Khu du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng Kotam là một trong những mô hình thành công trong việc kết hợp giữa hiệu quả kinh doanh với giữ gìn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Biểu diễn cồng chiêng ở Khu du lịch Kotam (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị là nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, tích cực giúp người dân các buôn làng xung quanh xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS.

Do đó, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam không chỉ được xây dựng theo hướng bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, giữ gìn, bảo đảm sự trong sạch cho dòng suối đầu nguồn bến nước, và nhất là phải thể hiện được sự trân trọng, tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà mọi cán bộ, nhân viên của khu du lịch cũng phải hướng đến mục tiêu đó.

Hiện nay, khu du lịch này có hơn 100 lao động thường xuyên và thời vụ, trong đó trên 80% là đồng bào DTTS. Người lao động gắn bó với khu du lịch này bởi bên cạnh việc luôn được bảo đảm thu nhập ổn định (bình quân thực nhận từ 7,5 – 8 triệu đồng/người/tháng) và các chế độ chính sách khác theo quy định, họ còn được tạo điều kiện tối đa để gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp sức xây dựng quê hương, buôn làng giàu đẹp.

Có thể thấy, khi đời sống được bảo đảm, kinh tế càng phát triển, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh càng ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Đó cũng là “gợi ý” để địa phương nâng cao hiệu quả của ngành “công nghiệp không khói” khi mà Đắk Lắk ngày nay là địa bàn sinh sống của 49 dân tộc và phần lớn còn giữ lại di sản văn hóa riêng, tạo thành một mảng màu đặc sắc trong toàn bộ đời sống văn hóa của vùng đất này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc