Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

08:27, 09/08/2024

Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề với những nỗi đau không kể xiết. Đến nay, thảm họa da cam/dioxin vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình người Việt Nam, hàng triệu người dân mang trong mình di chứng của chất độc hóa học đang phải vật lộn cùng bệnh tật.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là trách nhiệm của cả cộng đồng để giúp các nạn nhân vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Nỗi đau xuyên thế hệ

Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau ngày giải phóng, ông Trần Văn Lợi (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) trở về đời thường, lập gia đình, ổn định cuộc sống. Những tưởng cuộc sống sẽ yên bình trôi qua, thế nhưng nỗi đau lại ập đến khi thấy sức khỏe ngày một giảm sút, ông Lợi đi giám định và biết mình bị phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Chưa hết, trong số 6 người con của ông, người con trai thứ tư  bị câm, điếc bởi di chứng của chất độc hóa học.

Ông Lợi trải lòng: suốt nhiều năm trời bệnh tật hành hạ đau đớn, ông thường xuyên phải đi viện điều trị, nhưng bệnh không đỡ mà ngày càng thêm nặng, giờ đây ông phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người vợ. Ông thương vợ vất vả, thương hơn nữa là người con trai gần 40 tuổi, dù không thể nghe, nói nhưng hằng ngày vẫn cố gắng đi làm phụ giúp kinh tế gia đình…

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh (bìa phải) đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Đình Giang (huyện Ea Kar) nhân Tháng hành động vì NNCĐDC/dioxin năm 2024.

Cũng mang trong mình di chứng của chất độc hóa học sau khi từ chiến trường trở về, ông Nguyễn Đình Giang (thôn 3, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) càng đau xót hơn khi con gái út của ông cũng bị ảnh hưởng. Gần 45 năm qua, con ông vẫn chỉ như một đứa trẻ, không thể đi lại được, chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân.

Bản thân ông Giang cũng bị bệnh tật hành hạ với những cơn đau thể xác, có những lúc bị phát ngứa toàn thân, gãi đến bật máu, mưng mủ mà cơn ngứa vẫn không dứt. Ông Giang nghẹn ngào: “Nỗi đau chồng chất khi chứng kiến con gái mình bị bệnh tật suốt bao năm trời, vợ vất vả sớm hôm, không khi nào được ngơi nghỉ. Mỗi lần nhìn con, tôi chỉ biết khóc trong nỗi bất lực, xót xa…”.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thảm họa da cam và di chứng của nó đã cướp đi quyền được sống, quyền được hạnh phúc của biết bao người, hầu hết các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đều có cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Theo thống kê của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có 3.307 đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.418 đối tượng đang được thụ hưởng chính sách của Nhà nước.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cùng các cấp chính quyền và tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân, giúp họ vượt qua bệnh tật. Mới đây, Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà Nhân ái cho gia đình ông Mai Văn Lợt (thôn 9, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) với số tiền hỗ trợ là 5.000 USD. Ông Mai Văn Lợt từng tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đang phải ở trong ngôi nhà gỗ tạm bợ. Sự hỗ trợ này là món quà quý giá giúp gia đình ông Lợt an cư, ổn định cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và các cán bộ hưu trí TP. Buôn Ma Thuột đến thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Ama Anh

Với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NNCĐDC, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar cho biết, toàn huyện có khoảng 150 NNCĐDC đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Trong những năm qua, huyện hội đã có nhiều giải pháp quan tâm hỗ trợ đời sống, từng bước xóa nhà tạm, nhà xuống cấp, tạo mọi điều kiện hỗ trợ về kinh tế, sản xuất để các nạn nhân vươn lên. Hội xây dựng được Quỹ NNCĐDC với số tiền trên 130 triệu đồng, qua đó kịp thời hỗ trợ những trường hợp hội viên, NNCĐDC gặp hoàn cảnh khó khăn.

Xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) có 83 NNCĐDC, trong đó có 60 nạn nhân trực tiếp, 23 nạn nhân gián tiếp. Hội NNCĐDC/dioxin xã đã vận động, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức. Hội xây dựng được nguồn quỹ 350 triệu đồng, dùng cho hội viên khó khăn vay, thăm hỏi, tặng quà hội viên; vận động người dân tham gia chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” của  Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, hằng năm đạt từ 100 - 150 tin nhắn ủng hộ, có năm đạt trên 250 tin nhắn.

Theo ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, điều trăn trở nhất hiện nay là công tác vận động nguồn lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ quan, ban, ngành chưa thực sự vào cuộc để cùng chung tay giúp đỡ các NNCĐDC. Nỗi đau da cam là nỗi đau tột cùng của xã hội, nỗi đau xuyên thế hệ, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự chung tay giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, cá nhân, nhà hảo tâm, qua đó tạo nguồn lực giúp đỡ, góp phần xoa dịu nỗi đau của NNCĐDC, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã trích từ nguồn quỹ vận động và sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền hơn 1,47 tỷ đồng để chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân như: trợ cấp dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp khám chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà, tặng xe lăn, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế...

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc