Multimedia Đọc Báo in

Nan giải công tác quản lý chất lượng hàng online (Kỳ 1)

08:22, 27/08/2024

Kinh doanh bằng hình thức trực tuyến (online) ra đời đã tạo ra những tiện ích lớn, có tính cạnh tranh cao với kênh mua bán truyền thống. Tuy nhiên, sự bùng nổ hình thức kinh doanh này cũng khiến cho việc quản lý chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Kỳ 1: “Ma trận” hàng hóa

Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ... được buôn bán tràn lan trên các nền tảng trực tuyến khiến người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" hàng hóa, khó phân biệt được thật hay giả.

Thật, giả lẫn lộn

Không thể phủ nhận sự phát triển của hình thức kinh doanh online đã mang lại nhiều lợi ích cho người bán và người mua. Người tiêu dùng dễ tìm được mặt hàng mong muốn, có nhiều sự lựa chọn cho cùng phân khúc về chất lượng và giá cả. Còn người bán tiếp cận các đối tượng khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về mặt bằng, nhân công, vốn đầu tư hơn so với mở cửa hàng truyền thống… Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về chất lượng hàng hóa.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, Đắk Lắk là một trong những địa phương có hoạt động mua bán trên kênh online đứng top đầu của cả nước. Việc buôn bán trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội rất dễ dàng, dù là sinh viên, nông dân, mẹ bỉm sữa… đều có thể lập tài khoản với thao tác đơn giản để kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, các mặt hàng nhập sỉ, lẻ đều khó kiểm tra chất lượng nên thị trường online tràn lan hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu, quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng của hàng hóa… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã phát hiện 73 vụ việc vi phạm liên quan đến tổ chức, cá nhân lợi dụng TMĐT, mạng xã hội để quảng bá, bán các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, phần lớn tập trung vào mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang…

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng xã hội Facebook.

Đơn cử, ngày 15/7/2024, Đội QLTT số 3 phối hợp với Tổ công tác TMĐT (thuộc Cục QLTT tỉnh) bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh online của bà D.M.P. (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). Tại thời điểm làm việc, đoàn công tác phát hiện cơ sở kinh doanh có hai nhân viên đang chốt đơn cho khách mua online trên nền tảng TMĐT Shopee, TikTok và mạng xã hội Facebook. Kiểm tra thực tế hàng hóa cho thấy, bà P. đang bày bán 700 sản phẩm mắt kính thời trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị 35 triệu đồng. Đội QLTT số 3 đã lập hồ sơ, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định.

Một fanpage trên Facebook giả mạo người nổi tiếng gắn link sản phẩm dưới phần bình luận để "bẫy" khách mua hàng. (Ảnh chụp màn hình)
 

Phần lớn những trường hợp mua phải hàng không bảo đảm chất lượng, hàng không đúng với hình ảnh, thông tin đã quảng cáo khi phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều không có hóa đơn, chứng từ mua hàng nên không có cơ sở để làm việc cũng như hỗ trợ làm thủ tục khiếu nại với đơn vị bán hàng” - Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk.

Tương tự, ngày 28/5/2024, qua thông tin thu thập được trên nền tảng mạng xã hội TikTok, Tổ công tác TMĐT phối hợp với Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra doanh nghiệp (DN) của bà V.T.H.L. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện DN này đang bày bán đồ chơi trẻ em, thiết bị gia dụng, quần áo, đồ điện tử... Trong đó, có gần 200 sản phẩm trên nhãn có chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không thể hiện nội dung về xuất xứ hàng hóa; đại diện DN không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng nêu trên. Bà L. khai nhận là đã được một người bạn nước ngoài hướng dẫn nhập hàng về bán trên các sàn TMĐT. Đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ trình Cục QLTT Đắk Lắk ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN của bà L., đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Người tiêu dùng “mắc bẫy”

Để thành công “bẫy” khách hàng, các gian thương thường đánh vào tâm lý thích “hàng hiệu giá hời” của người tiêu dùng, dành những lời khen “có cánh” trên livestream (phát trực tiếp), đăng tải hình ảnh hàng thật nhưng bán hàng giả hoặc trộn lẫn hàng giả, hàng kém chất lượng với hàng thật.

Thậm chí, mua tích xanh hoặc gian hàng Mall (chính hãng), chạy quảng cáo, tăng lượt theo dõi, lập các fanpage giả mạo có tên trùng với trang bán hàng uy tín để tăng độ tin cậy cho người mua.

Ngoài ra, khi lập các trang bán hàng online có vẻ uy tín này, đối tượng kinh doanh thường để giá như hàng auth (hàng thật), sau đó tung các chương trình giảm giá sâu từ 50 - 80% để thu hút khách hàng.

Đơn cử, vào tháng 5/2024, chị N.T.T.V. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã mua sản phẩm nước hoa hồng Klairs tại website uy tín chuyên bán mỹ phẩm và thực phẩm chức năng được gắn link lên trang Facebook của shop có tích xanh với 2,4 triệu lượt người theo dõi. Đây là cửa hàng kinh doanh theo hệ thống khắp cả nước và bán online trên các nền tảng TikTok, Lazada, Shopee…

Điều đáng nói, shop bán hàng này đều có Mall chính hãng và tích xanh trên nền tảng kinh doanh online nên khi nhận sản phẩm, chị V. rất tin tưởng và sử dụng. Tuy nhiên sau vài ngày sử dụng, chị bị kích ứng và mụn li ti khắp mặt nên phải đi bác sĩ da liễu khám và phát hiện mình đã mua phải hàng giả.

Chị V. bức xúc: “Vì mua hàng không có hóa đơn, chứng từ nên tôi không dám khiếu nại nhưng bản thân rất bực mình, bởi dù đã lựa chọn trang uy tín để mua hàng nhưng vẫn gặp hàng giả. “Tiền mất tật mang”, không sử dụng được sản phẩm, lại phải mất một khoản tiền để chữa trị da mặt”.

Lực lượng quản lý thị trường giám sát tiêu hủy tang vật vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bán trên các nền tảng online.

Hay vào cuối tháng 1/2024, ông Đ.X.T. (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) khi lướt Facebook tình cờ thấy video quảng cáo thực phẩm chức năng hà thủ ô với công dụng làm đen tóc.

Ông T. đã nhanh chóng nhắn tin để được tư vấn. Sau những lời cam kết về công dụng sản phẩm từ trang bán hàng, ông T. bị “mắc bẫy” mua một liệu trình trong ba tháng có giá hơn 4 triệu đồng với những sản phẩm như: thực phẩm chức năng, dầu gội đầu, thuốc ủ tóc... Sau hơn một tháng sử dụng, tóc của ông không những không đen được mà còn bạc đi.

Ông T. cho hay, bản thân đã liên hệ với trang Facebook bán sản phẩm để phản hồi nhưng trang này đã ngưng hoạt động.

Trước đó, ông cũng đã từng mua phải một số sản phẩm quảng cáo không đúng công dụng trên các trang mạng xã hội được giảm nửa giá như: máy hút bụi lau nhà, máy xoa bóp cổ vai gáy… với giá từ 1 - 2 triệu đồng nhưng khi gặp vấn đề về chất lượng, liên hệ với người bán để trả hàng thì không được hỗ trợ với lý do sản phẩm đã sử dụng không đổi trả.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Dễ thực hiện nhưng... khó kiểm soát

Mai Khánh


Ý kiến bạn đọc