Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số: Động lực phát triển kinh tế và xã hội

08:14, 10/10/2024

Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tỉnh Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Kinh tế số là một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số; đặc biệt là các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua Internet.

Sự hiện diện của kinh tế số có thể nhìn thấy ở mọi lĩnh vực đời sống như: cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, nơi cư trú, mua bán hàng online, sử dụng ví điện tử, ứng dụng gọi xe, giao nhận hàng hóa, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, quẹt thẻ thanh toán tiền khi mua hàng hóa tại cửa hàng… Đặc trưng của kinh tế số là các giao dịch online, không giấy tờ, không tiền mặt.

Người dân huyện Lắk tra cứu thông tin thủ tục hành chính trên điện thoại di động.

Hiện nay, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa ngân hàng với nhiều dịch vụ khác như: chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt; dịch vụ thanh toán điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công, y tế... Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk có trên 80% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Ngoài ra, nhờ vào các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), người dân và doanh nghiệp không còn phải tốn thời gian và công sức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) truyền thống.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc. Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc.

Với các doanh nghiệp, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Để thu hút, kêu gọi đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, UBND tỉnh cũng đã ký kết hợp tác, triển khai các nội dung CĐS với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin như VNPT, FPT, Viettel...

 Ông Nguyễn Văn Thản, Phó Giám đốc VNPT Đắk Lắk chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp thực hiện CĐS, VNPT đã tích cực đầu tư các nền tảng về hạ tầng, nguồn nhân lực, triển khai hàng loạt các phần mềm góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS của địa phương. Đó là hệ thống iGate được duy trì vận hành và hoạt động ổn định, phục vụ tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức; triển khai hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G đến tận các thôn, buôn; phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; triển khai ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng số vào các hoạt động của doanh nghiệp và đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử..

Thay đổi để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, để CĐS thành công, trước hết cần chuyển đổi nhận thức và tư duy. Thay đổi rõ rệt nhất có thể kể đến là đội ngũ cán bộ, công chức đã nâng cao nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc CĐS, thay đổi tác phong, lề lối làm việc. Đối với người dân và doanh nghiệp, hiệu quả thể hiện rõ nét qua việc DVCTT toàn trình và DVCTT một phần ngày càng được nhiều người dân và doanh nghiệp biết đến; nắm bắt được quy trình giải quyết hồ sơ, TTHC, cơ chế chính sách đối với người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu những ứng dụng số.

Theo Sở Thông tin – Truyền thông, từ những thay đổi đó, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, kết cấu hạ tầng thông tin từng bước đầu được đầu tư; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã; ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Toàn tỉnh đã thành lập 1.928 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố với 11.700 thành viên. Đây là những "cánh tay nối dài" của ban chỉ đạo về CĐS các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được duy trì hoạt động ổn định. Tổng số TTHC đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk  là 1.735 TTHC; trong đó có 790 DVCTT một phần, 688 DVCTT toàn trình và 257 dịch vụ công cung cấp thông tin trực tuyến. Hệ thống iGate đã giải quyết 218.259 hồ sơ theo cơ chế một cửa điện tử liên thông, tỷ lệ giải quyết đúng hạn 99,44%.

Chủ đề Ngày CĐS tỉnh Đắk Lắk năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế số – xã hội nhanh và bền vững”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Dấu ấn những di tích lịch sử
Đắk Lắk là vùng đất lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với nhiều di tích lịch sử. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bao thế hệ tìm về, để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.