Nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản: Vẫn còn âm ỉ
Tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư công mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xây dựng.
Nỗ lực khắc phục
Nợ đọng XDCB là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó.
Nợ đọng XDCB luôn đi kèm với tình trạng kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, nợ đọng còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN trong lĩnh vực xây dựng do bị chiếm dụng nguồn vốn lớn, trong khi vốn của DN lại hạn chế, chủ yếu huy động vốn vay.
Thi công xây dựng Dự án cầu Cư Păm (Km21+050) thuộc Tỉnh lộ 9 (huyện Krông Bông). |
Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB, nhất là từ khi có Luật Đầu tư công với các quy định chặt chẽ, cùng hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp xử lý vấn đề này.
Đặc biệt, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 5/8/2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng XDCB; các bộ, ngành, địa phương để phát sinh nợ đọng từ ngày 1/1/2015 sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định tại Luật Đầu tư công.
Hay tại Chỉ thị 22/CT-TTg, ngày 23/6/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách và chủ động bố trí kinh phí để hoàn trả kinh phí đã ứng trước, xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, tình trạng nợ đọng XDCB cũng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhờ triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm kiểm soát phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; thực hiện theo kế hoạch mức vốn được giao.
Đặc biệt, tất cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đều phải được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đúng quy định. Tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có rà soát tình hình nợ đọng XDCB và đề xuất các giải pháp xử lý.
Cầu thôn Ea Lang thuộc Dự án ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã có khối lượng thi công nhưng chưa được bố trí đủ vốn. |
Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho biết, trong trường hợp phát sinh nợ đọng XDCB, tỉnh sẽ huy động tất cả các nguồn vốn để chi đầu tư. Nhờ kiểm soát các dự án ngay từ đầu cùng với việc xử lý kịp thời, tình trạng nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Vẫn còn dai dẳng
Tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng tình trạng nợ đọng XDCB trong thời gian qua vẫn còn âm ỉ và có những bất cập trong xử lý. Đơn cử như ở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, theo thống kê từ năm 2015 đến nay, đơn vị có 6 dự án còn nợ đọng XDCB, với hơn 6 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh nợ đọng là do chưa được bố trí đủ vốn so với giá trị được phê duyệt quyết toán.
Trong đó, đáng kể là Dự án mở rộng nâng cấp Tỉnh lộ 2 (đoạn Km 0 – Km 6+431) TP. Buôn Ma Thuột được phê duyệt quyết định đầu tư ngày 4/8/2020, với tổng mức đầu tư hơn 95,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Đến nay dự án còn nợ đọng hơn 3,9 tỷ đồng.
Thi công xây dựng một công trình từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo thống kê sơ bộ, hiện số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh là gần 23,3 tỷ đồng/11 dự án. Trong đó có 4 dự án từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương còn nợ hơn 14,8 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh nợ đọng là do hết thời hạn giải ngân số vốn được giao mà các đơn vị chưa hoàn thành việc giải ngân nên bị Trung ương thu hồi vốn. Mặc dù Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn còn lại nhưng vẫn không được đồng ý. Các dự án này đều đã được bàn giao đưa vào sử dụng và đã phê duyệt quyết toán nhưng thiếu vốn để thanh toán nợ đọng. Đối với 7 dự án còn lại với số nợ đọng XDCB gần 8,5 tỷ đồng phát sinh là do các chủ đầu tư đã không giải ngân hết số kế hoạch vốn được giao hằng năm và không đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án dẫn đến phải hủy dự toán. Do đó khi quyết toán dự án thì thiếu vốn thanh toán cho các dự án.
Tình trạng nợ đọng XDCB vẫn còn âm ỉ đã để lại những hệ lụy về tài chính to lớn cho các đơn vị thi công. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 470, từ năm 2014 đến nay, đơn vị có 2 công trình đã thi công hoàn thành và quyết toán nhưng vẫn còn nợ đọng là công trình thủy lợi buôn Triết (huyện Lắk) và gói thầu số 12 thuộc công trình thủy lợi Krông Búk hạ với số vốn hơn 920 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty còn có 2 công trình đã có khối lượng thi công nhưng chưa được bố trí đủ vốn là cầu thôn Ea Lang thuộc Dự án ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) và gói thầu số 4 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột với tổng số vốn hơn 28 tỷ đồng. Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ đọng quá lâu đã làm đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, không có vốn sản xuất đồng nghĩa với việc không có tiền để trả lương cho công nhân hay nộp thuế. Chưa kể việc thiếu vốn sẽ khiến đơn vị không có tiền thanh toán, vỡ kế hoạch thi công, chậm tiến độ, từ đó làm giảm hiệu quả đầu tư dự án.
Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB, nhiều chuyên gia kinh tế và DN cho rằng, cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có khối lượng nợ đọng XDCB lớn, kéo dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần thường xuyên chấn chỉnh và siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng vốn cũng như tình trạng đầu tư vượt khả năng bố trí vốn, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang được phân cấp, giao quyền nhiều hơn trong đầu tư XDCB. Có như thế mới mong củng cố được niềm tin của DN đối với hoạt động đầu tư công.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc