Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội nào cho công nghiệp nông nghiệp?

08:13, 05/11/2024

Sự vụ sàn thương mại Temu “tấn công” vào thị trường Việt Nam, tiếp sau các sàn giao dịch đã có, đang làm tăng áp lực với nền sản xuất trong nước.

Song nhìn ở khía cạnh khác, nếu biết khai thác hợp lý các thế mạnh hàng hóa nội địa, chúng ta có thể tìm thấy những cơ hội đưa hàng hóa ra ngoài, đặc biệt là mảng công nghiệp nông nghiệp.

Lợi thế cạnh tranh của nông sản địa phương

“Công thức” lợi thế của hàng hóa công nghiệp tiêu dùng Trung Quốc thông qua các sàn giao dịch như Temu đã được định vị rõ ràng: giá rẻ - đa dạng - vận chuyển nhanh - bảo hành đổi hàng. Với nguồn hàng khổng lồ thâu tóm từ hàng vạn phân xưởng sản xuất, thương mại điện tử Trung Quốc gần như lấn át hàng hóa các nước từ châu Âu sang châu Á, ngày càng trở thành lựa chọn mua sắm của đông đảo giới tiêu dùng bình dân, người lao động…

Nhưng chính từ “công thức” ấy, có thể nhận diện ra điểm yếu từ hàng hóa công nghiệp đất nước tỷ dân này. Đó là hàng hóa càng đa dạng, giá càng rẻ, thì chất lượng và thời hạn sử dụng càng giảm đi. Đó là các phương thức logistics càng được các nhà phân phối tổ chức nhanh nhẹn theo chiều giao đi sẽ càng cần lượng hàng lớn “nhận về” để cân đối chi phí.

Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), nhận rõ ưu khuyết về mặt thị trường và nhu cầu hàng hóa sẽ cho chúng ta cơ hội điều tiết được sản phẩm của mình, và đây là cách thức mà lĩnh vực thương mại các địa phương nên khai thác.

Phân loại mắc ca trước khi đóng gói sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Damaca Nguyên Phương. Ảnh: Nguyễn Gia

Cụ thể, hàng công nghiệp tiêu dùng từ bên ngoài đổ vào một cách ồ ạt sẽ hạn chế cơ hội sản xuất, kinh doanh của hàng tiêu dùng trong nước, nhưng riêng với các mặt hàng thủ công truyền thống, đặc biệt hàng nông sản chất lượng cao luôn có những lợi thế, sức hút nhất định. Đầu tư vào chất lượng hàng hóa, nhận diện rõ nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người dùng chính là thế mạnh cạnh tranh với hàng hóa công nghiệp bên ngoài. Phải khẳng định, có những mặt hàng nội địa, theo thói quen và tâm lý tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận những chủng loại sản phẩm bên ngoài vào, dù mẫu mã đa dạng hơn nhưng chất lượng sút kém hẳn. Nhắm đúng nhu cầu này, các đơn vị sản xuất, thương mại sẽ có được ngách sản phẩm đầu tư và khai thác tốt.

Quan trọng hơn, với những thị trường giàu lợi thế nông sản đặc thù như Đắk Lắk, Tây Nguyên, “khai thác ngược” hàng hóa công nghiệp nông nghiệp sẽ là ưu thế. Địa phương nên chú ý đầu tư, thu hút các nguồn lực sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng, chế biến nông sản chuyên sâu, đa dạng sản phẩm hơn, không chấp nhận chỉ xuất hàng thô, hàng đông lạnh đơn thuần nữa. Theo hướng này, các nhà máy chế biến chuyên sâu về nông sản, biến các loại nông sản đặc thù tại địa phương như sầu riêng, cà phê, bơ, ca cao… thành nguyên liệu tinh chế, làm ra thực phẩm tiêu dùng, thức uống dinh dưỡng, có hàm lượng cao hơn và “bắt đúng” sở thích mùi vị, kiểu dáng… của người dùng, gồm cả người dùng từ thị trường Trung Quốc, sẽ nắm chắc cơ hội “đẩy hàng” ra.

Cần khai thác các hình thức logistics

Lợi thế của vận chuyển bên ngoài là logistics nhanh chóng, miễn phí và chắc chắn các nhà vận tải đều muốn gia tăng lợi nhuận, giảm thêm chi phí với phân phối hai chiều.

Vậy tại sao sản xuất trong nước không bắt tay chính với luồng phân phối đó, đưa vận tải nội địa tham gia cùng họ vận tải hàng từ trong xuất ra ngoài?

Cần thay bỏ những quan niệm truyền thống về đơn vận không còn phù hợp, mà phải cải tiến, linh hoạt, hiệu quả hơn, với những nguồn hàng cung cấp đa dạng hơn, bốc xếp nhanh gọn hơn và nhất là tuân thủ nghiêm những quy ước, quy định về mã đóng gói, mã vùng trồng, mã xuất khẩu…

Ở đây, là thái độ rạch ròi của các nhà đầu tư sản xuất và giao vận hàng hóa phải bảo đảm thực hiện tốt các điều khoản vận tải logistics chất lượng nhất, khối lượng lớn nhất… Như thế, chỉ trong một thời gian ngắn, điều hướng kho vận nội địa sẽ thay đổi chất lượng, khai thác tốt, và đúng hơn những luồng hàng ra vào đạt doanh thu cao.

Dây chuyền rang cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê An Thái. Ảnh: Minh Thuận

Một thực tế phải thấy, là địa hình cao nguyên cách trở, sẽ làm hạn chế phần nào cơ hội tiếp cận logistics đa phương thức, hình thái vận tải hàng hóa mà các nhà phân phối bên ngoài tận dụng. Hướng vận tải hàng hóa lên xuống Tây Nguyên, xét ngắn dài, đều chỉ ưu tiên về vận tải đường bộ, sử dụng các loại xe tải chuyên chở hàng hóa. Do đó, kết hợp, khai thác được các luồng tuyến xe vận tải về Đắk Lắk nhắm đúng những hướng vận tải cao tốc đang mở ra, là hướng đầu tư hiệu quả và bền vững. Hàng hóa nông sản, công nghiệp nông nghiệp đưa qua những hình thức vận tải nhanh gọn này, sẽ càng phát huy được cơ hội với thị trường.

Trong tầm nhìn đầu tư sau năm 2030, hướng đến 2045, các nhà đầu tư vận tải đã nhìn thấy áp lực cạnh tranh của xe vận tải đường bộ với các phương tiện mới, nhất là sẽ có tuyến tàu cao tốc sau năm 2035. Nhưng với Tây Nguyên, áp lực này không gia tăng bao nhiêu, mà trái lại, có các tuyến tàu cao tốc, đường cao tốc, việc luân chuyển hàng hóa sẽ nhanh hơn, tiết kiệm hơn, theo tính toán đến gấp 4 lần hiện tại, rõ ràng ưu thế cạnh tranh hàng hóa nội địa chất lượng cao, từ Tây Nguyên đi vào nam ra bắc, xuất khẩu sang Trung Quốc, sẽ càng tiện hơn nữa. Thời hạn để thực thi việc này lại chỉ còn chưa đầy 10 năm.

Theo ông Trần Trọng Lưu, đây là một “cơ hội vàng”, phải nên tranh thủ tích cực. Nếu các địa phương như Đắk Lắk nhanh chóng thu hút các dự án đầu tư chế biến chuyên sâu hơn nữa, tổ chức kiểm soát nông sản chất lượng cao, canh tác diện tích lớn hiệu quả hơn, và nhất là chủ động tìm hướng liên kết với các điểm đầu mối hàng hóa về sau, như ở Đà Nẵng, Nha Trang…, cơ hội của nền công nghiệp nông nghiệp địa phương sẽ rất lớn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc