Giải ngân vốn đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia: Vì sao còn chậm?
Giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng là nhiệm vụ cấp bách đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Xác định các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chung cho cả 3 chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình 1719); Xây dựng nông thôn mới (NTM).
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn UBND cấp xã thành lập Ban quản lý cấp xã.
Công trình đường giao thông tại xã Yang Tao (huyện Lắk) được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 1719. Ảnh: Khánh Huyền |
Đến nay tỉnh đã xây dựng và ban hành đủ 17/17 nội dung để thực hiện 3 chương trình MTQG theo quy định. Bên cạnh các văn bản này, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND, ngày 14/12/2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở trong Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2023 - 2025 để áp dụng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025; Quyết định quy định về phân cấp, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện từng chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025. Công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình MTQG đã được các đơn vị, địa phương triển khai với nhiều hoạt động, nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều giải pháp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các chương trình này vẫn còn thấp. Cụ thể: tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đã giao thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2021 đến năm 2024 là hơn 5.287 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến hết ngày 21/10/2024, các đơn vị, chủ đầu tư đã giải ngân được hơn 3.268 tỷ đồng (bằng 61,8 %). Trong 10 tháng năm 2024, các đơn vị, chủ đầu tư mới giải ngân được hơn 886,8/2.866 tỷ đồng (bằng 30,94% tổng vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2024).
Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). Ảnh: Duy Tiến |
Còn nhiều vướng mắc
Để thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ hơn 5.589 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; tỉnh đối ứng 1.180 tỷ đồng. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình MTQG thấp là do nhiều nguyên nhân.
Đơn cử như đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM là do lực lượng cán bộ cơ sở thường xuyên biến động và hầu hết là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ tham mưu thực hiện chương trình này.
Còn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững lại gặp khó khăn do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương chưa quyết liệt. Trong khi đó, việc ban hành các nghị quyết quy định mức hỗ trợ còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên cho biết, hiện nay nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc Chương trình 1719 rất thấp, thậm chí ở mức 0%.
Theo ghi nhận tại các địa phương, trong 3 chương trình MTQG, việc triển khai và giải ngân vốn Chương trình 1719 đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất do tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao. Quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế. Thêm vào đó, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chưa giao chỉ tiêu kinh phí cho vay vốn tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chính sách thuộc Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn thấp. (Trong ảnh: Mô hình nuôi bò nhốt tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). |
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông chia sẻ, năm 2024 huyện được bố trí hơn 31,2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp cho Chương trình 1719, đến nay mới giải ngân được gần 2,7 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp của chương trình này còn thấp là do hiện nay các chủ đầu tư là UBND các xã mới thực hiện hoàn thành dự án nên đang hoàn thiện các hồ sơ, lập thủ tục thanh toán, dự kiến sẽ giải ngân trong tháng 12/2024. Riêng một số dự án, tiểu dự án của nguồn vốn trên không có đối tượng hoặc ít đối tượng thụ hưởng không giải ngân được còn tồn từ các năm 2022, 2023 đến nay, huyện đã trình các ngành của tỉnh điều chỉnh sang các dự án, tiểu dự án khác có nhu cầu cấp thiết. Đối với nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc chương trình này không giải ngân được vì chưa có định mức cụ thể, số tiền hỗ trợ thấp, huyện lại không có quỹ đất công để bố trí đất ở.
Để giải quyết thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho rằng, cần có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung giải ngân vốn các chương trình MTQG chứ không chỉ tập trung giải ngân công trình, dự án đường giao thông như hiện nay một số địa phương đang làm.
Nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình MTQG, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo chi tiết về tình hình giải ngân vốn các chương trình MTQG, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân trong giai đoạn cuối năm. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Hy vọng với những giải pháp trên, khó khăn sẽ được tháo gỡ, tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG sẽ được đẩy nhanh trong giai đoạn cuối năm, nhằm bảo đảm các chương trình được triển khai hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc