Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo: Còn nhiều thách thức
Lĩnh vực chế biến, chế tạo được xác định là trụ cột của ngành công nghiệp Đắk Lắk. Tuy nhiên, ngành kinh tế này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, rào cản trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.
Hút nguồn lực vào công nghiệp
Thời gian qua, Đắk Lắk đã triển khai các giải pháp thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, thân thiện với môi trường. Dấu ấn nổi bật trong thu hút đầu tư vào công nghiệp là lĩnh vực chế biến nông sản
Một doanh nghiệp sản xuất, chế tạo cơ khí tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: T. Mai |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn (tổng công suất hơn 185.000 tấn/năm); 2 nhà máy sản xuất đường (công suất 72.000 tấn/năm); 3 nhà máy chế biến mủ cốm, mủ latex (công suất hơn 30.000 tấn/năm). Đặc biệt, về chế biến cà phê có nhiều dự án đầu tư trong nước và dự án FDI quy mô lớn chuyên sản xuất cà phê nhân, cà phê bột và cà phê hòa tan như: nhà máy của Công ty TNHH Cà phê Ngon (công suất 10.000 tấn/năm), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (công suất 7.000 tấn/năm), Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (công suất 24.000 tấn/năm), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (công suất 56.000 tấn/năm), Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex Buôn Ma Thuột (công suất 45.000 tấn/năm), Công ty TNHH Dakman Việt Nam (công suất 40.000 tấn/năm).
Nhằm phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, trong danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số dự án lớn về hạ tầng tại các cụm công nghiệp như: Cư Bao (tổng mức vốn đầu tư 463 tỷ đồng), Buôn Chăm (259 tỷ đồng), Hòa Xuân 1 (672 tỷ đồng), Krông Năng (170 tỷ đồng), Tân Tiến (470 tỷ đồng), Ea Ô (1.000 tỷ đồng), Krông Búk 2 (400 tỷ đồng), Ea Nuôl (250 tỷ đồng) và Yang Tao (400 tỷ đồng). |
Bên cạnh đó, chế biến ca cao có nhà máy chế biến của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (công suất 35 tấn/năm); công nghiệp đồ uống có nhà máy sản xuất bia của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (công suất 115,5 triệu lít rượu, bia, nước giải khát/năm).
Về lĩnh vực chế tạo, hiện tại trên địa bàn tỉnh có nhà máy sản xuất phôi và thép xây dựng của Công ty Cổ phần Thép ASEAN (công suất 550.000 tấn thép/năm). Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk có hàng chục dự án về sản xuất cơ khí chế tạo phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều cơ sở sản xuất cơ khí đã đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại, sản xuất được các sản phẩm, linh kiện đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Đặc biệt là các công nghệ mới ứng dụng công nghệ lò trung tần trong nấu luyện gang để sản xuất các sản phẩm gang đúc hay công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân thân thiện với môi trường.
Nhờ đó, tỷ lệ máy móc, thiết bị sản xuất tại Đắk Lắk đã chiếm khoảng 80 – 90% trong toàn bộ dây chuyền chế biến cà phê của các doanh nghiệp (DN). Riêng đối với máy phục vụ nông hộ từ khâu chăm sóc, tưới, thu hoạch đến chế biến thì hầu hết là sản phẩm của cơ khí địa phương.
Theo Sở Công Thương, trong năm 2024, tỉnh có 6 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp được cấp chủ trương mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 448 tỷ đồng và 8 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Cụm công nghiệp Krông Búk 1, Cụm công nghiệp M’Drắk và Cụm công nghiệp Ea Đar... Đến nay, toàn tỉnh có 233 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư 13.343 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, các nhà máy sản xuất, chế biến, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và đã tạo ra được nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến có giá trị cao cho tiêu dùng và xuất khẩu. Trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất thép tại Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Nguyễn Gia |
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Cụ thể, ngành chế biến, nhất là chế biến các sản phẩm nông sản phát triển chưa tương xứng tiềm năng; việc ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, tinh chế chưa cao (sản phẩm tinh chế chỉ chiếm khoảng 10 - 20% tổng sản lượng). Phần lớn các sản phẩm nông sản hiện nay được đưa đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ở dạng sản phẩm thô. Cùng với đó, việc đầu tư hạ tầng cơ sở cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, việc phát triển các vùng nguyên liệu có quy mô lớn, bảo đảm chất lượng phục vụ chế biến chưa bền vững.
Sơ chế mắc ca tại một cơ sở ở huyện Krông Năng. Ảnh: M.Chi |
Trước khó khăn trên, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thương mại. Theo đó, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chủ động bám sát tình hình sản xuất của các nhà máy sản xuất công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để các dự án sớm hoàn thành, đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác theo dõi, phối hợp với các DN sản xuất công nghiệp thuộc địa bàn quản lý để tạo điều kiện hỗ trợ DN đối với những nội dung theo thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng nguyên liệu; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển thương mại nội địa, tiêu dùng của nhân dân; tăng cường hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, ngành công thương sẽ chú trọng tham mưu UBND tỉnh tăng cường cải thiện hạ tầng cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư mới và thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị cao; khuyến khích các DN đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Minh Chi - Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc