Cà phê Việt Nam tiên phong đáp ứng EUDR
Việt Nam vừa đạt bước tiến quan trọng trong việc tuân thủ Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) khi xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng.
Đắk Lắk tiên phong dẫn dắt
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải tuân thủ EUDR. Và một trong những giải pháp then chốt nhằm tuân thủ EUDR chính là việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê đầy đủ, chính xác và minh bạch.
Đối với Đắk Lắk, việc tuân thủ EUDR không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành hàng cà phê - ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh nâng cao uy tín, giá trị và vị thế trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các giải pháp thích ứng với EUDR, thí điểm tại 8 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea H'leo, Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) phối hợp với tổ chức IDH và JDE Peet’s hỗ trợ triển khai thực hiện, thời gian từ tháng 10/2023 - 12/2024. Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là tiền đề để mở rộng đến các địa phương trồng cà phê khác trong toàn tỉnh.
Vùng trồng cà phê của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đáp ứng Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu. |
Sau hơn một năm triển khai, đã có 25.416 nông dân trồng cà phê tham gia, với diện tích 26.961 ha, sản lượng 89.085 tấn đáp ứng EUDR. Tháng 4/2024, Simexco DakLak là đơn vị đầu tiên trên thế giới được cấp hai bản chứng thực 4C-EUDR đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR. Đồng thời, tiên phong xây dựng app EUDR nhằm thích ứng quy định mới của EU.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco DakLak khuyến cáo: Trong bối cảnh giá cà phê đang tăng cao, người nông dân nên chú trọng các giải pháp ứng dụng khoa học vào sản xuất, tái canh những diện tích già cỗi để tăng sản lượng. Không nên mở rộng diện tích bằng việc trồng mới, nhất là ở những vùng thuộc đất rừng. Vì nếu không tỉnh táo sẽ đẩy cà phê Việt Nam vào nguy cơ rủi ro cao khi EUDR được thực thi. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững (Simexco DakLak) cho biết, so với các nước trồng cà phê trên thế giới thì Việt Nam tiếp cận rất nhanh với EUDR. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh đi đầu cả nước trong việc thực hiện quy định của EUDR, với diện tích được cập nhật dữ liệu nhiều nhất. Điều thuận lợi hiện nay là EU đã quyết định hoãn thi hành EUDR trong một năm (sẽ áp dụng vào tháng 1/2026) thì Đắk Lắk phải đạt ít nhất là phải 70% diện tích cà phê được chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện có 3 huyện tiến hành cập nhật dữ liệu toàn bộ diện tích cà phê là Krông Năng, Cư M’gar và Ea H’leo; tiến độ đến nay đã đạt khoảng 50% diện tích. Đây là một tín hiệu tốt, vì 50% sản lượng cà phê Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang EU, như vậy khi EUDR có hiệu lực thì cà phê của Đắk Lắk đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Riêng với Simexco DakLak thì xuất khẩu cà phê vào thị trường EU đạt khoảng 60 - 70% (60.000 – 70.000 tấn) nên doanh nghiệp (DN) chuẩn bị rất sớm bởi đây là "giấy thông hành” để đưa mặt hàng cà phê vào thị trường khó tính này.
Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc ngành hàng Cà phê và Dầu cọ (Tổ chức IDH), Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR là kết quả sau hơn một năm thử nghiệm ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Trong đó, đã thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu 130.000 ha rừng và 136.000 ha cà phê tại 4 huyện sản xuất cà phê lớn nhất là Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) và Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk). Hiện Gia Lai là tỉnh thứ ba tham gia vào dự án thu thập cơ sở dữ liệu, kết hợp sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để tiếp tục thu thập dữ liệu cho 30.000 ha rừng và 4.000 ha cà phê.
Công cụ minh bạch hóa chuỗi cung ứng cà phê
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ra mắt Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tại 4 huyện thí điểm đánh dấu một bước quan trọng hướng đến việc tuân thủ EUDR tại Việt Nam, gia tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Hệ thống này giúp truy xuất nguồn gốc cà phê từ vườn cây, nông hộ đến đại lý thu mua thông qua bộ mã địa chính thống nhất. Đây là công cụ hữu hiệu giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro vi phạm quy định của EUDR. Đồng thời, hệ thống này còn hỗ trợ nông hộ trồng cà phê gần và liền kề rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng quốc gia.
Nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch quả chín và sơ chế đang là hướng đi của người dân và doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk. |
Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê được Tổ chức IDH phối hợp với các DN trong nhóm hợp tác (bao gồm IDH và các DN cà phê trong nước, quốc tế) triển khai thiết kế. Hoạt động này tổng hợp các dữ liệu sẵn có từ cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện và dữ liệu vùng trồng từ các DN tham gia thí điểm. Đồng thời, được xác minh thông qua khảo sát thực địa, với sự tham gia của nông hộ, DN và các cơ quan quản lý địa phương… Toàn bộ dữ liệu sau đó được tích hợp, đồng bộ hóa vào hệ thống và điều chỉnh để tương thích với các loại bản đồ của Nhà nước. Các DN được phân quyền truy cập, sử dụng và trích xuất thông tin đáp ứng yêu cầu của EUDR từ hệ thống, hỗ trợ quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách hiệu quả. Trong giai đoạn mở rộng từ tháng 1/2025, các bên sẽ tập trung vào thí điểm và nhân rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc cà phê từ nông hộ đến cấp huyện, tỉnh; nâng cấp hạ tầng, tích hợp thông tin vùng trồng và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và vận hành…
Theo Simexco DakLak, thách thức lớn nhất đối với các DN xuất khẩu và nông dân trồng cà phê trong việc tuân thủ EUDR là việc xác định và định dạng chi tiết từng vườn trồng. Điều này nhằm chứng minh rằng, sản phẩm nhập khẩu vào EU không được canh tác trên đất chuyển đổi từ rừng hoặc gây mất rừng sau mốc thời gian 31/12/2020. Hệ thống này ra đời sẽ giúp cung cấp nền tảng thông tin tin cậy hỗ trợ các DN thu mua và xuất nhập khẩu cà phê tuân thủ EUDR. Hiện nay, với sự sẵn sàng thích ứng của Việt Nam thì một số nhà rang xay vẫn chấp nhận mua với mức giá thưởng để tiếp tục động viên những liên minh sản xuất tiếp tục liên kết và kiểm soát chặt chẽ hơn theo các tiêu chuẩn mà EUDR quy định.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc