Multimedia Đọc Báo in

“Nóng” tình trạng xâm lấn rừng: Cần hành động khẩn cấp

08:15, 08/04/2025

Tình trạng xâm hại rừng tại Đắk Lắk đang diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Đất lâm nghiệp bị "xẻ thịt"

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024 toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 301 ha rừng bị phá trái pháp luật. Đáng báo động hơn, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lên đến hơn 21.840 ha tính từ năm 2024 trở về trước, một con số khổng lồ cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng là huyện M'Drắk. Theo kết quả thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 7.000 ha rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn, chiếm cần phải thu hồi. Về cơ bản những diện tích này đã bị người dân lấn, chiếm sử dụng từ lâu, tuy nhiên việc theo dõi diễn biến rừng hằng năm của UBND xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng thực hiện chưa tốt nên không phát hiện, báo cáo kịp thời để xử lý.

Người dân xâm lấn canh tác trên đất rừng tại huyện Lắk do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý. Ảnh: Minh Thông

Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết, huyện M'Drắk là địa bàn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, với khoảng 95.000 ha, chiếm khoảng 71% diện tích đất tự nhiên của huyện. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên huyện M’Drắk đang chịu áp lực rất lớn về tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến khai thác trái phép lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất. Đặc biệt, hành vi xâm lấn rừng diễn ra rất phức tạp và tinh vi, rất khó kiểm soát, bởi các hoạt động lấn chiếm đất rừng không chỉ là chặt, cưa cây rừng mà hiện nay các đối tượng dùng thuốc độc để làm cây chết, sau đó trồng cây mới để lấn chiếm đất canh tác. Thực trạng trên gây áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ rừng cũng như giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, tình hình xâm hại rừng trên địa bàn huyện Krông Bông cũng phức tạp không kém và diễn biến rất khó lường. Hiện có khoảng 20.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong rừng, ven rừng do công ty quản lý, dẫn tới nhu cầu về gỗ, củi, đất sản xuất rất lớn và tiếp tục gia tăng, nhất là theo tập quán canh tác, nhiều người H'Mông phá rừng, lấn chiếm đất rừng để dành đất cho con cháu (bình quân 0,5 ha/khẩu). Họ thường phá rừng vào ban đêm, sử dụng cưa điện, cưa tay, dao rựa nên tiếng động rất nhỏ; đồng thời ken gốc, bỏ thuốc độc, đốt rẫy, lấn dần qua nhiều năm, nhiều mùa theo “vết dầu loang”... nên rất khó phát hiện, cũng như bắt được đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất ở, đất sản xuất khoảng 650 ha của 3 dự án: Hồ thủy lợi Krông Pách thượng, đường Trường Sơn Đông, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, mặc dù đã được đền bù, bố trí đất và nơi ở mới nhưng đa số người dân đều quay lại phá rừng.

Ngoài tình trạng xâm hại, lấn chiếm rừng và đất rừng của người dân, nhiều dự án nông lâm nghiệp đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng mất rừng và đất rừng bị xâm lấn. Việc xử lý vi phạm và thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Cần "liều thuốc" mạnh

Hiện trong số hơn 21.840 ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm (từ năm 2024 về trước), mới xử lý được 199 vụ/hơn 1.033 ha; chưa xử lý 1.292 vụ/hơn 990 ha; diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm chưa thiết lập hồ sơ xử lý là hơn 19.816 ha. Trong năm 2024 và quý 1/2025, lực lượng kiểm lâm phát hiện, lập hồ sơ 1.324 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (riêng các vụ phá rừng trái pháp luật lên tới 1.026 vụ, với diện tích 286 ha rừng bị thiệt hại, đa số các vụ không phát hiện được đối tượng vi phạm), khối lượng gỗ tịch thu lên tới 318 m3; Công an tỉnh phát hiện 87 vụ/76 đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản nhưng vẫn còn nhiều vụ không phát hiện được đối tượng vi phạm.

Tuần tra bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Ảnh: Vạn Tiếp

Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Nguyễn Đức Thảo cho rằng, với những hành vi phá rừng tinh vi như hiện nay, tỉnh cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ thiết bị như flycam, các ứng dụng công nghệ cao như phần mềm theo dõi diễn biến rừng, ảnh vệ tinh chất lượng cao… cho lực lượng kiểm lâm nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Hiện nay, để lập lại trật tự trong việc quản lý sử dụng đất đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực, lập các thủ tục pháp lý có liên quan để tiến hành xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại Tiểu khu 267, Tiểu khu 268, xã Ea Bung; Tiểu khu 293, xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) và diện tích đất bị lấn, chiếm tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) thuộc khu vực đất thu hồi của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn nhằm quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh: Bảo vệ, phát triển rừng, nhất là bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên hiện có vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài; phải tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; chống chặt phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái pháp luật có hiệu quả.

Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất lâm nghiệp gắn với rừng của các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất và kịp thời chấn chỉnh; xử lý nghiêm các vụ vi phạm về rừng và đất rừng. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật nghiêm trọng hoặc để kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…

Mục tiêu cụ thể về bảo vệ, phát triển rừng năm 2025: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh rừng chuyển tiếp 2.000 ha; trồng rừng mới 1.817 ha; trồng cây phân tán 200.000 cây; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 38,82%.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc