Trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (phần cuối)
Lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT)
1. Cử tri kiến nghị xem xét chuyển đường địa phương lên quốc lộ và bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050: Chuyển tuyến ĐT.668 (15 km), tỉnh Đắk Lắk và ĐT.695 (29 km) tỉnh Đắk Lắk, với tổng chiều dài 44 km. Chuyển tuyến ĐT.697 (Tỉnh lộ 1) (81 km) và tuyến ĐT.696D (TL 16D) (40 km), tỉnh Đắk Lắk thành Quốc lộ 26 kéo dài, với tổng chiều dài (nối từ Km151/QL.26 đến QL.14C, tỉnh Đắk Lắk) khoảng 121 km.
Bộ GTVT trả lời: Về đề nghị chuyển ĐT.668, ĐT.695 thành quốc lộ: Việc kết nối thị trấn Ea Drăng (tỉnh Đắk Lắk) với thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) chưa phù hợp với tiêu chí quốc lộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ.
Về chuyển ĐT.697, ĐT.696D thành Quốc lộ 26 kéo dài: Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021, mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được nghiên cứu phân bố cơ bản phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực hoàn thành quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 và đã có tuyến kết nối với các địa phương lân cận, với khu vực cửa khẩu ở phía Tây và cảng biển ở phía Đông, bao gồm các trục dọc và các trục ngang. Bên cạnh đó, các tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14C trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có kết nối thông qua tuyến Quốc lộ 29. Vì vậy, hiện tại chưa bổ sung vào Quy hoạch kéo dài ĐT.668, ĐT.695 thành Quốc lộ 26.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, rà soát nếu các tuyến đường tỉnh nêu trên đáp ứng đủ điều kiện chuyển thành quốc lộ theo quy định, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh trong quy hoạch.
Trong khi chưa chuyển thành quốc lộ, đề nghị UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp, mở rộng và bảo trì các tuyến đường tỉnh nêu trên để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hành khách lên máy bay tại Sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Tuyết |
2. Cử tri kiến nghị đầu tư nâng cấp Cảng hàng không (CHK) Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế; sớm đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Bộ GTVT trả lời: Về nội dung đầu tư nâng cấp CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế, căn cứ định hướng quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại CHK Buôn Ma Thuột có thể khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ (Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam), phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt, Bộ GTVT đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến CHK Buôn Ma Thuột nhằm mục đích khảo sát, đánh giá và phát triển thị trường bay quốc tế. Sau thời gian khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao và nhu cầu khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ (trung bình khoảng 3 - 5 chuyến/tuần, tương đương khoảng 30 - 40 nghìn hành khách quốc tế/năm), Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế.
Về nội dung đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1769/QĐ-TTg, ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) không nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Về vấn đề này Bộ GTVT đã trả lời với UBND tỉnh Đắk Lắk và gửi thông tin tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để trả lời cử tri. Theo đó, quá trình nghiên cứu xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư giữa các phương thức vận tải, trên cơ sở đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang – Cảng Vân Phong là phù hợp.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong trong giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc này sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa.
3. Cử tri kiến nghị sớm có chủ trương đầu tư thực hiện dự án đường vành đai thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực này.
Bộ GTVT trả lời: Tuyến đường vành đai thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) thuộc thẩm quyền quản lý đầu tư của UBND tỉnh. Đề nghị tỉnh Đắk Lắk sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối ngân sách của tỉnh để đầu tư. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ trực tiếp cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc