Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (2)

17:59, 10/10/2024

4. Cử tri kiến nghị việc thông tuyến đường cửa khẩu Chi Miết về trung tâm huyện Cô Nhék để sớm đưa cửa khẩu đi vào hoạt động, làm cơ sở để ta và Campuchia xem xét đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu.

Bộ Ngoại giao trả lời: Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động đưa nội dung khai thông cặp cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết vào trao đổi với phía Campuchia tại nhiều diễn đàn song phương. Tại Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật (21//3/2023), hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi việc khai thông cặp cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết trong khuôn khổ Nhóm Công tác hỗn hợp về cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia. Về phía Campuchia, bạn cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối cửa khẩu với trung tâm huyện Cô Nhék, tỉnh Mondulkiri.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đắk Lắk hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Đắk Ruê theo quy định để sớm đưa cặp cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng cần chủ động trao đổi với tỉnh Mondulkiri về nhu cầu, kế hoạch, định hướng của bạn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới tại địa bàn nói chung để có tính toán, kiến nghị đầu tư phù hợp, hiệu quả cũng như có cơ sở để cùng thống nhất lộ trình đưa cặp cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết vào vận hành.

5. Cử tri kiến nghị hỗ trợ pháp lý cho các công dân Việt Nam bị lừa đảo, khống chế, bóc lột đang làm việc tại các sòng bài Campuchia. 

Bộ Ngoại giao trả lời: Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không có chức năng thực hiện công tác trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn thông tin đầy đủ về những hỗ trợ mà công dân có thể được cung cấp theo quy định của pháp luật, bao gồm chế độ hỗ trợ đối với các trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình trạng công dân Việt Nam bị lừa gạt, dụ dỗ đưa sang một số nước khu vực Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines nhằm mục đích ép buộc làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình ở sở tại, duy trì liên lạc thường xuyên với cộng đồng, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để tăng cường rà soát, mở rộng điều tra, xác minh và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ, tích cực, hiệu quả với các cơ quan chức năng trong nước để nhanh chóng giải quyết các thủ tục cần thiết để đưa công dân về nước, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ở trong nước tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chủ động phòng, tránh các hành vi lôi kéo, lừa gạt xuất cảnh sang nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Đến nay, thống kê sơ bộ trong giai đoạn 2022 – 2023, có khoảng 2.200 công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc ở các sòng bài tại Campuchia đã được bảo hộ, hỗ trợ giải cứu và đưa về nước (khoảng 1.400 trường hợp trong năm 2022 và 800 trường hợp trong năm 2023).

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk ghi nhận các kiến nghị của công nhân lao động trong đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồng Thúy
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk ghi nhận các kiến nghị của công nhân lao động trong đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồng Thúy

6. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, công nhân lao động làm việc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn thuộc vùng III. Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo hướng điều chỉnh TP. Buôn Ma Thuột từ vùng III lên vùng II để tiền lương và tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được nâng lên, người lao động an tâm công tác.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trả lời: Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu được xác lập theo 4 vùng và chia theo địa giới hành chính cấp huyện nhằm phản ánh chênh lệch về mặt bằng tiền lương, chi phí sinh hoạt, giá cả và mục tiêu điều tiết thị trường lao động giữa các vùng.

Đối với việc rà soát phân vùng, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện lấy ý kiến doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan trên địa bàn về việc rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu. Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất bằng văn bản của UBND cấp tỉnh sau khi đã thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định.

Đối với địa bàn áp dụng lương tối thiểu của tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 86/BC-UBND, ngày 3/4/2023 gửi Bộ LĐ-TB&XH, trong đó đánh giá địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP là phù hợp và đề xuất không điều chỉnh khi ban hành nghị định mới áp dụng cho năm 2024.

Vì vậy, đối với việc điều chỉnh địa bàn áp dụng lương tối thiểu tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh Đắk Lắk để phản ánh với Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Dấu ấn những di tích lịch sử
Đắk Lắk là vùng đất lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với nhiều di tích lịch sử. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bao thế hệ tìm về, để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.