Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới của Bảo tàng Đắk Lắk

15:00, 26/09/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ, từng bước chuyển đổi số để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Nhận thức chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Bảo tàng Đắk Lắk đã có bước chuyển mình nhanh chóng bắt nhịp với công nghệ số để áp dụng vào một số hoạt động như: số hóa các hiện vật trưng bày; triển khai việc tổ chức bảo tàng 3D trên website của đơn vị, xây dựng lộ trình thực hiện trưng bày ảo tại Bảo tàng Đắk Lắk; số hóa di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9-2021, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày trực tuyến chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” tạo được hiệu ứng khá tốt trên website và Fanpage đơn vị.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, từ tháng 6-2021, trong các không gian trưng bày, giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ thực tế ảo (3D). Hiện có khoảng 130 hiện vật tại bảo tàng được xây dựng cơ sở dữ liệu 3D. Số hiện vật còn lại được cũng được bảo tàng xây dựng phần mềm kỹ thuật số để tích hợp thành một hệ thống quản lý tổng thể và thống nhất. Trước mắt, ba phòng trưng bày theo các chủ đề (Lịch sử, Đa dạng sinh học và Văn hóa dân tộc) đang được Bảo tàng Đắk Lắk áp dụng công nghệ thực tế ảo trong các không gian trưng bày hiện vật nhằm phục vụ khách tham quan hiệu quả và sinh động hơn.

Hướng dẫn viên thuyết minh Triển lãm chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên”.

Chị Đỗ Thị Sâm, Phòng Sưu tầm và trưng bày, Bảo tàng Đắk Lắk chia sẻ, trưng bày chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” chào mừng Quốc khánh 2-9 được bảo tàng tổ chức trực tuyến ngay trong giai đoạn địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Quá trình chuẩn bị trưng bày cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Những tác phẩm trưng bày chủ yếu được số hóa từ những thước phim âm bản, phim dương bản của nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Michel Carrier (1927 - 2020) và các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Cách làm này rất hiệu quả bởi vừa phục vụ công chúng vừa để lưu trữ và bảo quản lâu dài.

Với phương châm “vừa làm vừa học hỏi”, việc tổ chức quay dựng, dẫn chương trình theo kịch bản triển lãm trực tuyến dù là lần đầu nhưng cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk rất háo hức, thích thú. Sự đổi mới này đã được các đồng nghiệp ở Bảo tàng các tỉnh đánh giá cao, đăng ký tham quan học tập qua các kênh trực tuyến tại website: daklakmuseum.vn, kênh youtube, trang fanpage và facebook.

Bảo tàng 3D trên website

Cũng theo ông Đinh Một, hằng năm Bảo tàng Đắk Lắk đón tiếp trên 50.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Tuy sự đầu tư cho chuyển đổi số còn gặp một số hạn chế về nguồn kinh phí nhưng đơn vị đã cố gắng từng bước tiếp cận, nghiên cứu thực hiện những “bảo tảng ảo” dạng chuyên đề để giới thiệu qua fanpage, website của đơn vị. Sự ghi nhận, phản hồi tích cực từ phía công chúng là động lực để đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động mạnh mẽ hơn.

“Bảo tàng đang từng bước xây dựng hệ thống kho mở - một phong cách của bảo tàng hiện đại kết nối với chuyên gia quốc tế bắt nhịp cùng xu thế chuyển đổi số để bổ sung tư liệu, hiện vật phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cho khách tham quan, nhất là đối với đối tượng sinh viên, các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học”- ông Một cho hay.

Tính đến tháng 8-2021, Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ 9.600 hiện vật; sưu tầm được trên 1.000 hiện vật, tạo nên nguồn tư liệu, hiện vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng bốn ngôn ngữ trong trưng bày, gồm: Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Êđê - là ngôn ngữ của cư dân tại chỗ đông nhất trên địa bàn tỉnh.

 

Kim Bảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.