Những mùa thu một thời hoa mộng
Xa lắc mùa thu
Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu
Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng
Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã
Nắng ký thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi
Tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi
Chiều nay trước cổng trước rơm rớm mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.
Trương Nam Hương
Tình yêu và mùa thu trở thành những mạch nguồn thẳm sâu vô tận, chảy âm thầm trong huyết quản thi nhân để rồi một ngày kia hòa vào đất trời cất lên điệu buồn nhớ thương, hoài niệm. “Xa lắc mùa thu” là một thi phẩm như thế. Đó là tiếng thu của điệu hồn thi sĩ với những cung bậc tình ái rung ngân ngập tràn biết bao cảm xúc về một thời hoa mộng đã qua.
Mở đầu bài thơ là thời gian của mùa thu hoài niệm, gợi sự chia phôi theo “tiếc nuối chảy qua cầu” từ lúc em không còn đến trường vào “mùa thu năm ấy nữa”.
Chính nhờ hai từ “năm ấy”, Trương Nam Hương đã giúp người đọc hình dung về một mối tình học trò vụng dại, hồn nhiên nhưng cũng nhiều trái ngang qua tháng năm vẫn day dứt đến tận bây giờ. Một chiếc lá mùa thu rụng xuống hoàng hôn “xẹt lửa” hóa ra lại là tín hiệu buồn, như một chớp sáng để rồi tan biến vào khoảng không vô tận. Hình tượng ở khổ thơ đầu nhờ thế thật bất ngờ, nghe như một vết dao đau buốt cứa tận tâm can sau tháng ngày ly biệt.
Phép điệp cấu trúc ở hai câu thơ mở đầu “Em không đến trường…” như một sự khẳng định, một xác quyết đầy xót xa, cay nghiệt. Không biết vì lẽ gì, vì duyên cớ nào mà người con gái mình yêu thương sớm từ giã học đường, từ giã tuổi thơ đầy mộng mơ để tìm một đường hướng mới. Tác giả khẳng định để rồi tự mình giày vò, xót xa tưởng như không gì có thể làm nguôi ngoai tâm hồn chàng thư sinh nhiều mơ mộng: “Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa/ Em không đến trường cả mùa thu năm sau/ Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa/ Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu”.
Số phận nghiệt ngã đã xô đẩy thi nhân tìm vào cõi thơ để cố lãng quên. Nhưng càng cố quên trái tim càng thêm luyến nhớ. Một dòng sông tình yêu tràn đầy kỷ niệm đẹp tươi vẫn cứ hiện về lung linh, tỏa sáng mang theo cả bóng dáng người em gái năm nào cùng với những mùa thu học trò mơ mộng. Khổ thơ thứ hai thật giàu hình tượng nhờ tác giả sử dụng kết hợp nhiều nghệ thuật tu từ đặc sắc, nhiều cách biểu đạt mới mẻ, ấn tượng nên dễ làm rung động tâm hồn người đọc. Ký ức vẫn bồi hồi, sáng trong, đẹp đẽ như dòng sông để rồi nhân vật trữ tình xưng tôi “uống cạn” trong nỗi nhớ thương và tiếc nuối đến vô cùng. Càng nhớ tiếc, càng khóc thương về mộng đẹp không thành, nhà thơ càng nghe mùa thu xa lắc trở về ray rứt, xót xa: “Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu/ Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc/ Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức/ Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng”.
Thế nhưng, cái hay của bài thơ là sau bao nhiêu đắng cay, nghiệt ngã, lòng thi nhân vẫn tràn đầy niềm yêu mơ vĩnh cửu về một tình yêu bền vững, chân thành. Nếu khổ thơ thứ hai là tiếng khóc của nỗi đau khổ ngập tràn thì đến khổ thứ ba bỗng bừng lên niềm hy vọng mong manh như một trò đùa hư ảo: “Biết em còn đến lớp với tôi không/ Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã”. Tự hỏi chính mình để rồi cuối cùng tác giả nhận ra người con gái năm xưa đã không bao giờ trở lại. Giật mình, thảng thốt khi nhận ra bóng thời gian đã ngả về chiều như sắc thu vàng qua chiếc lá phôi phai mà màu nắng đã “ký thác” đời mình mới bừng tỉnh mộng: “Nắng ký thác đời mình qua sắc lá/ Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi”.
Bài thơ khép lại bằng mùa thu thực tại thật nhẹ nhàng nhưng cũng buồn rơm rớm mắt. Vẫn trước cổng trường ngày xưa mình học, ngày đôi lứa có nhau, nhưng giờ đây “tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi”. Một sự thảng thốt vỡ tim, nhói buốt qua hai từ “em ơi” da diết đến bàng hoàng. Một sự đối lập thật cay nghiệt mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được bằng chính sự trải nghiệm của đời mình. Mùa thu hiện về cụ thể, sống động tưởng có thể “nhặt” được từ đôi bàn tay của chính mình sao bỗng xa xôi không tưởng. Tứ thơ nhờ vậy lóe lên độc sáng, bất chợt nhưng để lại nhiều dư vị ngọt ngào, mến thương xen lẫn buồn đau, tiếc nuối. Tiếng đứa con gái tan trường “giục” người cha là nhân vật trữ tình xưng “tôi” nghe mới thật da diết và quặn thắt làm sao!
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc