Multimedia Đọc Báo in

Triển lãm trực tuyến chuyên đề: Những trải nghiệm thú vị

09:48, 24/10/2021

Không ra khỏi nhà, nhưng vẫn có thể tham quan triển lãm qua màn hình vi tính, điện thoại là một trong những trải nghiệm thú vị trong mùa dịch.

Trong bối cảnh nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngưng trệ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày trực tuyến triển lãm chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên”.

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm chuyên đề theo hình thức này, Bảo tàng Đắk Lắk đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thiện tất cả các công đoạn để triển lãm đến với công chúng.

Hình ảnh về những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên được đơn vị ghi hình và đăng tải trên trang thông tin điện tử daklakmuseum.vn, kênh Youtube, trang Fanpage… để ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần có thiết bị điện tử thông minh kết nối với mạng Internet là du khách có thể dễ dàng tham quan triển lãm.

Em Đặng Thị Hương Giang (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), một trong những khán giả xem triển lãm qua mạng Internet chia sẻ, trước đây em thường đến Bảo tàng Đắk Lắk để trực tiếp tham quan và tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên, lần này xem triển lãm trực tuyến vẫn mang đến những trải nghiệm thú vị.

Nhà sàn Gia Rai (chụp năm 1964) trưng bày ở triển lãm "Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên" tại Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Joseph Michel Carrier

Cụ thể, những hình ảnh về những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên nói chung được giới thiệu rất cụ thể, chi tiết trong video kèm thuyết minh sinh động, có thể xem lại nhiều lần hoặc dừng lại xem kỹ một chi tiết nào đó khi cần, qua đó Hương Giang khám phá ra khá nhiều điều thú vị như: mỗi dân tộc có một kiểu nhà đặc trưng riêng, thể hiện được nét văn hóa của dân tộc đó.

Như các ngôi nhà xưa của các dân tộc thiểu số thường dựng trên bãi đất rộng theo hướng Bắc - Nam, mát mẻ vào mùa khô, ấm áp vào mùa mưa, tránh được cái nắng nóng gay gắt của cao nguyên từ hướng tây; sàn nhà cách mặt đất khoảng 3 - 4 mét, có tác dụng tránh thú dữ tấn công vào nhà; gầm sàn được tận dụng để làm nơi nuôi nhốt gia cầm, gia súc.

Riêng đối với người Gia Rai, vì tập quán chọn nơi cư trú gần các bến sông nên chân cột nhà sàn thường cao hơn so với những cư dân khác. Người M’nông ở phía Nam Tây Nguyên có ngôi nhà trệt mái vòm, thì người Êđê, Gia Rai sinh sống trong những ngôi nhà sàn dài, còn các dân tộc như Ba Na, Xơ Đăng lại sinh hoạt trong nhà rông.

Nhà vừa là nơi trú ngụ, vừa là nơi giao lưu của cộng đồng và cũng là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ hội để giao tiếp với thần linh… Đồng thời, khi video giới thiệu về triển lãm được đăng tải trên Fanpage của Bảo tàng Đắk Lắk, khi có vấn đề nào chưa hiểu và muốn hỏi thêm thì chỉ cần để lại bình luận, sẽ có nhân viên chuyên môn của Bảo tàng giải đáp tường tận.

Không chỉ dừng lại ở triển lãm trực tuyến, từ tháng 9 đến nay Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên giới thiệu những bộ sưu tập độc đáo về văn hóa, đời sống các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa, về cuộc chiến kháng chiến giữ nước của dân tộc… qua những hình ảnh sắc nét hay video giới thiệu cụ thể trên Fanpage của bảo tàng.

Việc tích hợp ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa; đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, các triển lãm online đã mang lại những trải nghiệm khác biệt, thú vị, thu hút người xem.

Em Đặng Thị Hương Giang (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) xem triển lãm trực tuyến "Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên" qua Internet. Ảnh: M.Sao

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ, từng bước chuyển đổi số để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng là rất cần thiết.

Điều đó đã đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của dân tộc, tạo sự kết nối giữa bảo tàng với công chúng, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.