Gọi mời hương sắc bazan
Những ngày cuối năm, hương sắc dã quỳ nổi bật trên những cung đường, triền dốc quanh co của vùng đất đỏ bazan như níu chân người nán lại. Dã quỳ vàng rực, trĩu bông, vừa mang vẻ đẹp mỏng manh, vừa mạnh mẽ, hoang dã giữa nắng gió đại ngàn, giữa khoảng trời xanh thắm, vời vợi.
Loài hoa dã quỳ chẳng cần chăm chút, tưới tắm hay dày công ươm mầm. Cứ đến hẹn lại lên, dã quỳ vươn mình trong rét lạnh cuối năm, trổ từng khóm bông vàng tươi mới, trẻ trung ở bất cứ nơi đâu có thể. Một khoảng đất trống ở nội thành, dọc hai bên đường lớn, lối mòn nhỏ, hay tại các triền đồi, vạt nương… loài hoa ấy đều có thể tự tin khẳng định sức sống và khoe sắc.
Cũng như dã quỳ, sắc hoa cà phê tạo nên một “thương hiệu” rất riêng mỗi khi nhắc nhớ đến miền bazan. Bung nở vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch, từng chùm trắng tinh khôi cùng hương thơm thoang thoảng nối dài trên các vạt rẫy, con đường như hút ánh người không chớp mắt.
Dã quỳ khoe sắc trên miền đất đỏ đại ngàn. Ảnh: Q. Anh |
Màu hoa ấy không chỉ đẹp với du khách một lần gặp, mà với người vun trồng cũng cảm thấy bồi hồi dù đã quá quen với việc chăm sóc, tận tường chứng kiến sinh trưởng. Năm nào hoa nở bung đều trên khắp mọi cành cây, tiết trời mưa thuận gió hòa là dự báo cho một vụ mùa nhiều niềm vui. Còn với người con xa xứ, hình ảnh những cành cây xanh mướt khoác dày lớp hoa trắng tinh khôi cũng đủ khiến họ thêm nao lòng mỗi dịp Tết cận kề. Chỉ cần thấy hình ảnh rẫy nhà được điểm tô bởi lớp lớp cánh hoa trắng như tuyết, dù khó khăn, bận rộn bao nhiêu, ai cũng muốn xách ba lô lên để về miền quê yêu dấu.
Đi giữa đất trời Tây Nguyên, đôi chân còn bị níu lại bởi những sắc màu tươi thắm, trong veo của các loài hoa dại đặc trưng mà tạo hóa ban tặng. Những vạt hoa như lớp nhung lụa giữa rừng xanh, nom bé nhỏ nhưng mạnh mẽ vươn mình với đủ sắc màu khiến người chứng kiến vừa trầm trồ, vừa muốn lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời hiếm có. Những đồi cỏ hồng với hình dáng mỏng manh như một thiên đường cổ tích khiến bao người lưu luyến không thôi.
Không chỉ níu chân người đến thăm, hương sắc bazan còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa, là nhịp cầu nối miền nhớ cho những người đã và từng thương yêu. Đó là những dòng cảm xúc như: “Đi giữa đồi hoa như tuyết phủ/ Dịu dàng sương đọng gió chưa lay/ Bướm trắng quay về bên hoa trắng/ Mê say tình tự chẳng buồn bay…”, hay như “Em ngược thời gian níu gió tìm anh/ Đại ngàn bước giữa xa xanh sâu thẳm/ Mình em với dã quỳ vàng nở thắm/ Lòng bộn bề ta nhớ lắm người dưng…”, là rất nhiều áng thơ văn được các tác giả, người yêu thơ văn lấy cảm hứng từ những loài hoa đặc trưng của miền đất đỏ.
Sắc vàng của dã quỳ tươi thắm trên các con đường. Ảnh: Q.Anh |
Đặc biệt hơn thế, đã có rất nhiều hoạt động, công trình được hình thành như bày tỏ niềm tự hào, yêu mến mà người dân xứ sở bazan dành cho các loài hoa. Ở thành phố Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên – nơi được xem là trái tim của xứ sở ngàn hoa có công trình kiến trúc tòa nhà hoa dã quỳ ấn tượng, hiện đại. Hình hoa thiết kế với dáng nghiêng, cánh ôm sát hình vòm giúp mọi du khách khi đặt chân đến nơi này đều có thể nhìn thấy được loài hoa gọi nắng. Ở tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, loài hoa dã quỳ đã được tôn vinh bằng lễ hội “Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya”, tạo sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Ở Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ tổ chức hai năm một lần đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, tôn vinh loài cây đặc trưng này.
Và biết đâu đây trong một tương lai rất gần, hương sắc của đại ngàn sẽ còn tiếp tục được phát huy tiềm năng, thế mạnh và chuyên sâu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch Tây Nguyên. Nguồn lực ấy sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn đối với người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trên miền đất đỏ.
Song Anh
Ý kiến bạn đọc