Multimedia Đọc Báo in

Chạm khắc hổ trên nhà gươl Cơ Tu

06:02, 30/01/2022

Nhà gươl của người Cơ Tu là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời, là nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi, tổ chức những lễ hội truyền thống của cộng đồng.

Gươl được xem là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu. Vì vậy, ngoài những phong tục tập quán, lễ hội và những nghi thức bản địa đặc sắc, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, gươl còn là công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, điêu khắc gỗ độc đáo phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất. Tại gươl, những nghệ nhân điêu khắc dân gian dân tộc Cơ Tu đã tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, kỳ công, trong đó đáng chú ý là chạm khắc hình tượng con hổ rất sinh động.

Hình ảnh con hổ được các nghệ nhân điêu khắc Cơ Tu phản ánh khá đa dạng.

Các phù điêu gỗ con hổ phản ánh trên gươl khá đa dạng, phong phú, thể hiện cái nhìn hồn nhiên về thiên nhiên, thế giới động thực vật và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người Cơ Tu. Theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, con hổ chính là chúa tể rừng xanh, là biểu tượng sức mạnh siêu nhiên. Hầu hết những ngôi nhà gươl đều có bản khắc gỗ con hổ trên bậc cửa bước vào nhà. Trên phần tấm ván thưng trước gươl cũng có hình tượng con hổ ở hai đầu như án ngữ bảo vệ dân làng; những vi cột, đà ngang bên trong gươl đều có hình ảnh hổ săn mồi bắt dê, bắt nai, có các bức phù điêu thể hiện cảnh người Cơ Tu dùng ná bắn hổ. Và còn rất nhiều ở các bức phù điêu trên gỗ ở gươl với hình ảnh hổ đứng vui cùng người Cơ Tu múa tung tung da dá và nghe người già hát lý, được các nghệ nhân dân gian Cơ Tu gọt đẽo, chạm trổ công phu và sử dụng màu sắc tô vẽ rất tài tình.

Ngoài điêu khắc hình tượng hổ, người Cơ Tu còn có tục treo vuốt hổ, nanh hổ ở ngôi nhà cộng đồng của mình như để xua đuổi ma xấu, chống lại điều xui xẻo, cầu mong có sức mạnh như hổ. Đồng bào quan niệm, nhìn vào hình tượng hổ ở gươl, kẻ xấu phải sợ hãi, lo lắng, biết ai trong làng có “cái bụng xấu”, cái tâm ý không trong sáng.

Hình ảnh con hổ trên bậc cửa bước vào nhà gươl Cơ Tu.

Hình tượng hổ là chất men tạo cảm hứng cho những nghệ sĩ dân gian Cơ Tu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho rừng núi, thôn/bản. Cùng những bức tượng và tranh điêu khắc gỗ nói chung, đề tài điêu khắc hình tượng hổ đã làm cho gươl trở thành kết cấu kiến trúc độc đáo thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa của người Cơ Tu.

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc