Multimedia Đọc Báo in

Hương rừng cho rượu thêm nồng

19:05, 09/01/2022

Về buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi được bà Lê Thị Lý mời thưởng thức loại rượu mới ra lò có tên chòi mòi.

Gọi là mời thưởng thức, bởi rượu được lên công thức với nhiều bí quyết rất riêng, nhưng cũng là cũ, bởi chòi mòi là loại cây quá quen thuộc với người dân ở đây.

Chòi mòi, còn gọi là sương mòi, mọc rất nhiều ở vùng núi với nhiều công dụng như điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, là thuốc bổ cho phụ nữ mới sinh. Lá chòi mòi được dùng như một vị rau sống, ăn kèm với các loại tập tàng khác; quả chòi mòi dùng để nấu canh chua và là loại quả ăn vặt rất được ưa thích của trẻ em vùng cao, miền núi.

Rượu chòi mòi được bà Lê Thị Lý ngâm trong các ché cổ.

Cũng bởi thứ quả lắm công dụng, vườn nhà lại có sẵn một cây luôn cho trái sum suê nên bà Lý vẫn thường ép sinh tố, làm sirô, tạo thức uống mới lạ, bổ dưỡng trong gia đình. Nung nấu ý tưởng tạo thành rượu đặc sản của Tây Nguyên, năm 2019, bà bắt đầu thử nghiệm làm rượu chòi mòi, rồi dần đúc rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện thêm sản phẩm.

Cứ tầm tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, khi chòi mòi chín đều, cũng là thời điểm thu hái và ngâm rượu ngon nhất. Bà Lý tâm tình rằng, để rượu đạt chất lượng cao, cần ít nhất khoảng 2 kg quả tươi cho thành phẩm 1 lít rượu sóng sánh.

Điều đặc biệt ở vị rượu này là được ngâm trong ché cổ. Là người sở hữu khoảng 500 chiếc ché hàng trăm năm tuổi, bà Lý vẫn thường sử dụng nó cho sinh hoạt gia đình, trong đó có việc ủ rượu. Bà cho hay, đồng bào vẫn quan niệm rằng, mỗi chiếc ché đều có thần linh ngự trị; những chiếc có giá trị phải đổi nhiều voi, trâu, bò, chỉ gia đình giàu có mới sở hữu được. Cũng bởi sự quý hiếm đó, nên rượu trong ché cổ vẫn thường dùng để cúng thần linh, hay đối ẩm với các vị khách quý. Rượu được ngâm trong ché cổ vừa thấm đẫm giá trị tinh thần, vừa thơm ngon hơn nhờ ruột ché không tráng men, dễ dàng cho việc lên men và bám men rượu. Với lớp vỏ được nung kỹ càng, sít đặc, rượu trong ché cổ càng ngâm càng ngon, thơm nồng, khi rót sóng sánh như mật.

Bà Lý (bên trái) tự hào giới thiệu về thành quả của mình.

Hai năm là thời gian cần thiết để cho ra thành phẩm rượu chòi mòi. Trong suốt quãng thời gian này, rượu không cần chôn dưới đất, nhưng phải để nơi kín gió, không có ánh sáng lọt vào thì mới giữ được hương vị đặc trưng.

Bước vào khu vực ủ rượu, hương thơm nồng đã thoang thoảng khắp gian nhà. Khi lớp lá bọc miệng ché được bung ra, những giọt màu nâu sẫm là thành quả ngọt ngào cho quãng thời gian dài chăm chút tỉ mỉ.

Cùng chuyện trò bên nhà sàn buổi hoàng hôn, cái rét lạnh của những ngày cuối năm như được xoa dịu bởi những vị rượu thơm ngon, ấm nồng. Bao nhiêu hương rừng Tây Nguyên như đọng lại trong dư vị ngất ngây khiến người dùng cứ muốn thưởng thức nhiều thêm nữa.

Bà chủ Lê Thị Lý chia sẻ tâm tình khi nói về thành phẩm này: “Rượu chòi mòi đặc biệt ở chỗ là uống vào rất đậm đà, dù uống nhiều cũng không bị nóng ruột, không đau đầu, rất tốt cho sức khỏe cả nam và nữ. Nếu ở Đà Lạt nổi tiếng với rượu vang, tôi cũng mong không lâu nữa, Đắk Lắk sẽ sớm có vang chòi mòi. Loại trái này mọc nhiều ở vườn, ở rẫy, không phải tưới tắm, chăm sóc gì mà vẫn sum suê, nếu biết cách khai thác và sử dụng thì đồng bào mình cũng có thêm nguồn thu để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.