Multimedia Đọc Báo in

Về Thủy Ba nghe kể chuyện bắt hổ

20:28, 31/01/2022

Ở cố đô Huế có một di tích đặc biệt, phảng phất dấu ấn đấu trường La Mã cổ đại: Hổ Quyền - đấu trường cho hổ đấu với voi. Nhưng chính Hổ Quyền ở xứ kinh kỳ cuối thời nhà Nguyễn cũng phải nhờ đến tinh thần thượng võ của một làng từng nổi tiếng chế ngự chúa sơn lâm, thậm chí người dân nơi đây xưa kia từng trẩy kinh bắt cọp. Đó là làng Thủy Ba (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Nhà vua “điều động” thợ săn Thủy Ba vào kinh đô Huế bắt hổ để làm gì? Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, ở Huế có trường đấu Hổ Quyền được xây dựng rất quy mô ở xã Thủy Biều. Đây là nơi xảy ra các cuộc chiến sinh tử giữa voi chiến triều đình với hổ, cho vua quan và thần dân được xem một năm vài lần. Một cuộc đấu không chỉ có vài con hổ mà có khi là hàng chục con được nhốt từ trước.

Làng Thủy Ba hôm nay.

Thợ săn Thủy Ba bắt hổ để phục vụ cho các trận đấu ở Hổ Quyền. Bài viết “Tỉnh Quảng Trị” in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921 của Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: “Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng đó là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ thần, và thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ. Do đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ và luôn được giao nhiệm vụ bắt hổ để giao đấu với voi triều đình. Đôi khi dân Thủy Ba mang đến Huế luôn cả cái bẫy hổ để dâng cho vua cái vinh dự được tự tay giết con hổ sa bẫy”.

Trận đấu đầu tiên được tổ chức tại Hổ Quyền vào năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng, còn trận đấu cuối cùng được tổ chức năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong trận đấu này: “Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: “Con này can đảm lắm”. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết...”. Như mọi trận đấu hằng năm, kết thúc bằng chiến thắng của voi, tượng trưng cho sức mạnh tượng binh, một thế mạnh của lục quân xứ Đàng Trong và cả uy quyền của quân vương. Bởi thế trước mỗi trận đấu, cọp bị nhổ răng và cắt hết nanh vuốt. Dù vậy các trận đấu diễn ra vẫn ác liệt và hấp dẫn giữa kỳ phùng địch thủ.

Du khách tham quan di tích Hổ Quyền ở Huế (ảnh chụp trước tháng 4/2021)

Một ngày hè đầy nắng cách đây mấy năm, tôi về làng Thủy Ba gặp ông Nguyễn Đăng Hạp, người dũng sĩ bắt hổ cuối cùng của vùng quê này. Ông đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện ngày xưa có thật mà hương vị cứ như là cổ tích. Đúng là miền đất lạ lùng! Có vậy mới kết tinh nên một nghề độc nhất vô nhị trong thiên hạ, ấy là nghề bắt hổ. Sống với thiên nhiên khắc nghiệt, với ác thú dữ dằn thì người Vĩnh Linh mới có thể trui rèn đến vậy và khí chất mới luyện thành sắt thép. Ông Hạp hào hứng đọc vè Thủy Ba bắt cọp: “Mồng sáu sắc hạ vua ra/ Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền/ Đò vô tận ải Thừa Thiên/ Dữ ma độc nước không yên chăng là.../ Thủy Ba đứng dậy cho đều/ Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy...”. Nhìn cụ già đã bạc cả tóc râu sống qua trăm tuổi, tôi hình dung ra thời tráng niên oanh liệt của những người làm nên huyền thoại chế ngự cả chúa sơn lâm.

Nay ông Hạp đã không còn nữa. Nhưng những câu chuyện bắt cọp như huyền thoại thì con cháu ông vẫn còn nhớ…

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.