Như chim Phí vẫn luôn bay về cội nguồn
Với những ai gắn bó với đại ngàn Tây Nguyên, chắc hẳn sẽ có những khoảnh khắc lặng mình, đau đáu và trăn trở với những giá trị văn hóa của những cộng đồng dân tộc thiểu số trước những nguy cơ mai một trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, của tác động toàn cầu hóa.
Già Ama H’Loan ở buôn Ako Dhong, TP. Buôn Ma Thuột gần như là nghệ nhân cuối cùng của buôn biết làm và sử dụng tất cả các loại nhạc cụ dân gian của người Êđê. Ở tuổi 82, ông cũng là người chứng kiến những đổi thay của buôn làng hôm nay. Niềm vui nhiều mà nỗi buồn chắc hẳn cũng không ít. Cho nên trong từng thanh âm của mỗi nhạc cụ mỗi khi ông biểu diễn có tình yêu tha thiết lẫn niềm tiếc nuối. Ông bảo, buôn ngày một đẹp hơn, đời sống bà con trong buôn ngày một sung túc, giàu có, điều đó làm ông vui và hạnh phúc lắm. Thế nhưng, trong niềm vui ấy chất chứa nhiều nỗi niềm và đau đáu về việc gìn giữ những giá trị văn hóa, cái làm nên hồn cốt của buôn làng. Có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể lặng lẽ rời xa, mất đi, biến mất theo vòng quay nghiệt ngã của thời gian, dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa.
Nghệ nhân Ama H’Loan (buôn Ako Dhong, TP. Buôn Ma Thuột) với niềm vui chế tác nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Linh Nga Niê Kđăm đã chia sẻ về những trăn trở, day dứt của mình trước những được - mất của buôn làng hôm nay. Điều đó thể hiện rõ nét ở những buôn làng của TP. Buôn Ma Thuột, nơi bà đang sinh sống. Bà bảo: Khi cuộc sống vật chất ngày một sung túc, đủ đầy, đáng lẽ ra người ta càng phải trân trọng quay về với cội nguồn của mình thì thực tế ở đây lại không phải như thế. Giờ rất khó để thấy một buôn làng nào đó tự thân tổ chức những nghi lễ gắn với đời sống cộng đồng. Và có một thực tế, rất nhiều thanh niên trẻ ở các buôn làng của mình gần như đang dần xa lạ với giá trị cũ xưa của ông bà truyền lại.
Cho nên, đến bây giờ già Ama H’Loan vẫn chưa tìm ra được người kế cận ở trong buôn để truyền dạy về chế tác những loại nhạc cụ dân gian. Đó không chỉ là nỗi nặng lòng của nghệ nhân già ở buôn Ako Dhong mà còn là sự trăn trở cho công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Hội nhập mang đến cho con người nhiều cơ hội để phát triển, vượt thoát ra khỏi “lũy tre làng”. Quá trình tiếp biến văn hóa trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng, phong phú; xuất hiện nhiều loại hình, trong đó có cả những thiết chế văn hóa mới, phát huy tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Nhưng tình trạng khủng hoảng giá trị giữa cũ và mới đã và đang phá vỡ nhiều hình thức và nội dung trong lối sống truyền thống cũng là một trong những hệ lụy nhức nhối của quá trình tiếp biến văn hóa.
Các dân tộc bản địa ở Đắk Lắk - Tây Nguyên cũng không đứng ngoài vòng xoáy đó. Họ tìm đến cái mới, thích nghi và sáng tạo. Giá trị văn hóa không còn “đóng khung” ở một cộng đồng của buôn làng mà hoàn toàn có thể bước ra không gian rộng lớn như toàn cầu. Tiếng chiêng của người Êđê, M’nông, Gia Rai… ở Tây Nguyên vì vậy đã trở thành “đại sứ” ngoại giao nối những nhịp cầu văn hóa. Tuy nhiên một khi âm nhạc cồng chiêng bị “thương mại hóa”, nó chỉ đơn thuần là một thứ âm thanh phát ra từ một loại nhạc cụ, không còn là thanh âm của khí chất và hồn cốt cộng đồng dân tộc. Hai mặt của quá trình tiếp biến văn hóa ấy đặt ra nhiều trăn trở trong câu chuyện bảo tồn và phát triển.
Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai ở huyện Ea H’leo . Ảnh: Hoàng Gia |
Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Và phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, rất nhiều giải pháp đưa ra để xây dựng, gìn giữ, chấn hưng nền văn hóa khi mà những giá trị cốt lõi cứ mai một dần trước làn gió toàn cầu hóa, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Sự bay đi ít nhiều ấy phải chăng là bởi phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Cho nên Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa, phát triển văn hóa, con người đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện một cách khoa học, cách mạng, nhân văn qua các thời kỳ: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Soi chiếu vào trong câu chuyện bảo tồn và phát triển văn hóa ở Tây Nguyên mới hiểu vì sao nhà văn Linh Nga Niê K’đăm tha thiết: “Nên chăng trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây hãy để cho người dân được tham gia để tự chính họ hiểu và quyết định cái gì nên gìn giữ, cái gì cần loại bỏ. Bởi cộng đồng chính là người sáng tạo say mê và cộng đồng cũng đồng thời là người say sưa hưởng thụ”.
Bảo tồn văn hóa ngoài những việc mà ngành văn hóa lâu nay vẫn đang miệt mài và nỗ lực thì để thực sự có được “sức mạnh nội sinh” phải chăng vẫn là quay về với sự tự nhận thức, tự giác và tự thân của chính những chủ thể đã sáng tạo nên những giá trị của cộng đồng. Để những chàng trai, cô gái Êđê, Ba Na, M’nông… sinh ra giữa đại ngàn Tây Nguyên, uống dòng nước nguồn của những con sông Mẹ, sông Cha mà trưởng thành có thể vững vàng bước vào đời sống hội nhập, nhưng nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là buôn làng, nương rẫy và núi rừng thăm thẳm. Như những cánh chim Phí vẫn luôn bay về cội nguồn, tắm mình trong không gian văn hóa của cộng đồng được sáng tạo, gìn giữ, bồi đắp qua biết bao lịch sử thăng trầm.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc