Multimedia Đọc Báo in

Thư pháp thời 4.0

08:26, 08/02/2022

Trong thời đại công nghệ số, những người viết thư pháp cũng đang đổi mới để thích nghi và phát triển hơn nữa nghệ thuật thư pháp Việt.

Những “ông đồ” trẻ

Những người viết thư pháp ngày xưa thường là những thầy đồ lớn tuổi, như hình ảnh ông đồ già ngồi cho chữ mỗi dịp Tết đến, xuân về trong bài thơ "Ông đồ" của tác giả Vũ Đình Liên. Nhưng hiện nay bộ môn thư pháp lại thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ, hoạt động “xin chữ”, “cho chữ” và “học chữ” mỗi dịp Tết đến chủ yếu được thực hiện bởi những “nhà thư pháp” trẻ.

Với niềm đam mê thư pháp, ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, anh Đinh Thế Cường (28 tuổi, trú số 125 Y Wang, phường Ea Tam) đã mày mò tìm hiểu về thư pháp. Anh Cường chia sẻ: “Ngày đó ở Đắk Lắk vẫn chưa có phong trào học viết  thư pháp, tôi phải lên mạng tìm hiểu, tự học. Ngay cả việc mua một bộ bút mực đúng kiểu cũng khó”. Sau này, khi mạng xã hội phát triển, anh Cường được giao lưu nhiều hơn với những người thầy giỏi ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cùng với sự nghiêm túc học tập và tình yêu với thư pháp nên tay nghề ngày càng được nâng cao, vì vậy chữ thư pháp của anh cũng được nhiều người yêu thích.

Anh Đinh Thế Cường tặng chữ trong các bữa tiệc tất niên cuối năm.

Yêu vẻ đẹp mộc mạc và nghệ thuật của thư pháp, tình cờ được xem anh Cường viết thư pháp, chị Trần Thị Duy (giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TP. Buôn Ma Thuột) đã quyết định theo học và trở thành một người viết thư pháp chuyên nghiệp. Chị Duy tâm sự: “Thư pháp mang lại cho tôi niềm vui, giúp tôi vượt qua được chính mình, càng tìm hiểu càng thấy bị cuốn theo dù giai đoạn đầu khá vất vả, không biết bắt đầu từ đâu, chọn bút thế nào, hành bút ra sao”. Chọn cách cố gắng chăm chỉ luyện tập thật nhiều, đăng bài lên những hội nhóm nhằm tham khảo ý kiến từ những người đã có kinh nghiệm để trau dồi thêm, đến nay chị Duy đã trở thành một người viết thư pháp chuyên nghiệp

Lớp học thư pháp “online”

Trong căn phòng thoảng mùi mực tàu treo những bức thư pháp với nét chữ mềm mại, bay bổng, chị Duy say sưa viết thư pháp và giảng bài trực tiếp cho học viên qua lớp học thư pháp “online”. Để thư pháp hấp dẫn hơn, ngày nay không chỉ viết “mực tàu, giấy đỏ” như ngày xưa, chất liệu viết thư pháp cũng không thể đóng khung trên vải, gỗ... nữa mà đã được số hóa để lan truyền đến nhiều người hơn. Chị Duy kết hợp viết thư pháp với quay clip hướng dẫn chi tiết cách viết, kênh Youtube “Thư pháp Thiên Di” của chị được nhiều bạn trẻ khắp cả nước yêu thích, theo dõi. Đến nay chị Duy đã mở được 7 khóa với hơn 200 học viên theo học, ngoài ra chị còn tự tay “sáng tạo” nhiều loại bút, giấy, màu vẽ, mực… có giá bình dân và dễ sử dụng để những học viên mới có điều kiện theo học.

“Không chỉ tự tay làm nên những tấm thiệp, cuốn lịch, tranh, phong bao lì xì, hay trang trí những quả dừa có chữ thư pháp tặng bạn bè vào dịp xuân, học viên của lớp thư pháp “online” còn được trau dồi, bồi đắp các kiến thức về văn chương, thơ phú. Nội dung các bức thư pháp thường thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, những triết lý nhân sinh, sự giác ngộ của con người…”, chị Duy cho hay.

Chị Trần Thị Duy - cô giáo của lớp học thư pháp "online" Thiên Di.

Trong thời đại 4.0, việc học online trở nên hiệu quả khi tình hình dịch bệnh phức tạp, cuộc sống với công việc có quá nhiều áp lực. Những người trẻ tìm đến lớp học thư pháp ngày càng nhiều hơn, nhiều ứng dụng viết thư pháp sử dụng trên điện thoại được bạn trẻ hào hứng đón nhận, cho thấy giới trẻ ngày càng quan tâm đến các giá trị văn hóa dân tộc.

Bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian để đến lớp, những thời gian rảnh rỗi, dịp cuối tuần chị Huyền Trang (nhân viên kế toán) thường mở những clip viết thư pháp để thư giãn. Chị Trang tâm sự: "Xem những video viết thư pháp có lồng nhạc thiền giúp đầu óc tôi thư thái, tâm trạng thoải mái hơn sau những áp lực của công việc. Lâu dần tôi thấy yêu bộ môn nghệ thuật gắn với bút lông, mực tàu và giấy xuyến này".

Những người trẻ yêu thư pháp và lớp dạy thư pháp như thế đang góp phần thúc đẩy sự phát triển và phổ biến bộ môn này, đồng thời hình thành nên cộng đồng những người yêu thích vẻ đẹp của loại hình thư pháp đậm chất văn hóa Việt.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.