Multimedia Đọc Báo in

Xốn xang lời mời gọi

06:10, 02/02/2022

“Mặt trời lên trên cao nguyên bao la/ Đang dâng dâng lên tô hồng/ Cho lòng ta ước muốn/ Hỡi chim B’rao bay bay trên nền trời  Đắk Lắk/ Mà lắng nghe lắng nghe/ Nghe lưng trời, xuân đang về, rừng cao su bạt ngàn hề/ Say hương trời, say hương đời, rừng cà phê vào mùa tưới”

Những câu hát trong ca khúc “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, tựa như lời mời du khách đến và thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở đại ngàn.

Nhắc đến Đắk Lắk là nhắc đến đại ngàn với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng với địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, hồ nước mênh mông cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, gắn với các dòng sông Sêrêpốk, Krông Ana, Krông Bông… Bên cạnh đó là văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc sinh sống; hơn 40 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài trên toàn tỉnh. 

Du khách đang tr.i nghiệm quy trình hái cà phê của một đơn vị trồng cà phê hữu cơ trên địa bàn tỉnh

Trong năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có nhiều đợt đi khảo sát, định vị nhiều địa điểm có tiềm năng du lịch, tạo tiền đề để phát triển những sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách. Đơn cử như Điểm tham quan quy trình trồng, chăm sóc và chế biến ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana). Tuy đây là một điểm du lịch mới mẻ, nhưng khá hấp dẫn và độc đáo. Công ty đã có sẵn vườn ca cao, cơ sở hạ tầng để chế biến ca cao bột, sô cô la… Sản phẩm ca cao của công ty đã lọt vào top 100 sản phẩm quà lưu niệm của Hội kỷ lục gia Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021. Khi du khách đến đây sẽ được tham quan vườn trồng ca cao thực tế, được thuyết minh về quá trình chăm sóc và tự tay trải nghiệm quy trình chế biến ca cao, sô cô la bên trong xưởng sản xuất…

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá, ngoài cà phê thì ca cao cũng là một loài cây đặc trưng của địa phương, khá phù hợp cho xây dựng điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; điểm du lịch này lại nằm trên cung đường của sản phẩm du lịch tại huyện Krông Ana, có thể gắn với cụm thác và các điểm du lịch của các huyện Lắk và Cư Kuin, rất thuận lợi để xây dựng những tour du lịch mới phục vụ du khách trong thời gian tới. Giám đốc Công ty Võ Thị Ngọc Ánh cho hay, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để đón khách đến tham quan, trải nghiệm mua sắm.

Du khách nghe thuyết minh, tìm hiểu về cà phê tại Bảo tàng Thế giới cà phê

Ngoài ra, một số đơn vị chuyên về cà phê hữu cơ, có các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở đều được khảo sát để lên tour nông nghiệp trải nghiệm. Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm tăng thêm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân vùng nông thôn, qua đó bảo tồn, phát huy được các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống vùng miền, bản sắc dân tộc.

Cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Đắk Lắk còn có điểm đến là bảo tàng, di tích thu hút du khách. Thực tế cho thấy, trong mỗi chuyến hành trình, bảo tàng luôn là điểm dừng chân của du khách, bởi qua đó họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán vùng đất nơi mình đi qua. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 bảo tàng, mỗi bảo tàng lại có những nét đặc trưng. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh qua các thời kỳ hình thành và phát triển một cách tương đối đầy đủ nhất nhờ số lượng tư liệu, hiện vật đồ sộ, cùng không gian trưng bày bài bản… Đối với Bảo tàng Thế giới cà phê, du khách lại được tìm hiểu về văn hóa cà phê bằng cách nếm, ngửi, nghe hay chạm vô cùng độc đáo; chiêm ngưỡng những hiện vật liên quan tới cà phê được lấy nguồn cảm hứng cũng như thiết kế từ bảo tàng của nhiều nước trên thế giới. Hay tại Bảo tàng Ama H’Mai (TP. Buôn Ma Thuột), nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với thông điệp chung mà chủ nhân của bảo tàng hướng đến là phục sinh những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Qua đó, giáo dục ý thức yêu quý, tự hào về di sản văn hóa cho lớp trẻ ở buôn làng. Không chỉ dừng lại ở 3 bảo tàng này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các bảo tàng tư nhân để du khách có thêm nhiều trải nghiệm trên mảnh đất Tây Nguyên.

Nghề tạc tượng luôn thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm

Dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nói trên, thời gian tới ngành du lịch tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc thù, trải nghiệm khác biệt, có chất lượng cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh như phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi; sản phẩm du lịch mạo hiểm phù hợp với địa hình Đắk Lắk; đi xe đạp, mô tô địa hình trong rừng; leo núi, cắm trại trong Vườn Quốc gia Yok Đôn… Đó chính là lời mời chào hấp dẫn của Đắk Lắk gửi đến du khách cho hành trình du lịch những ngày tới.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.