Multimedia Đọc Báo in

Ðất và người Buôn Ma Thuột (Kỳ 1)

15:42, 05/03/2022

Vùng đất của sử thi, của những bài trường ca bất tận cùng tên tuổi những con người phảng phất như huyền thoại - Buôn Ma Thuột hiện lên trong tâm tưởng mọi người hơn một trăm năm qua gắn với nhiều khúc quanh lịch sử đáng nhớ, trước khi nó trở thành đô thị trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên hùng vĩ. 

Kỳ 1: Miền đất “lưu lạc”

Người Pháp phải bỏ ra 16 năm (1879 - 1895) để khảo sát một vùng đất rộng tới 676.000 km², du hành qua hơn 30.000 km thuộc các vùng cao ở phía đông và bắc sông Mê Kông để thu thập một lượng lớn thông tin khoa học cần thiết nhằm vẽ nên bản đồ (lịch sử, văn hóa, địa lý, dân tộc và hành chính) của Cao nguyên Trung phần - Việt Nam như hiện nay. Và người đầu tiên thực hiện “sứ mệnh” này là Auguste Pavie - Đặc nhiệm Toàn quyền Pháp tại Lào từ năm 1885.

Trung tâm Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia

Sứ mệnh trên được lịch sử gọi là "sứ mệnh Pavie" với 4 cuộc khảo sát liên tục kéo dài suốt 16 năm. Chuyến khảo sát đầu tiên bắt đầu từ năm 1879 - 1885, trải rộng trên khắp lãnh thổ Campuchia và miền Nam Siam (cách gọi Xiêm La thời ấy) tới tận Băng Cốc của Xiêm La. Chuyến thứ hai, từ năm 1886 - 1889, bao gồm miền Đông bắc Lào xuống tận sông Đà và miền Bắc Việt Nam. Chuyến thứ ba, từ năm 1889 - 1891 là dọc sông Mê Kông, từ Sài Gòn đến Luang Prabang - Lào. Chuyến thứ tư, từ năm 1894 - 1895, gồm các vùng lãnh thổ của Lào giáp giới với Trung Quốc và Miến Điện tại tả ngạn sông Mê Kông, tới tận sông Hồng - Bắc Việt Nam.

 
Tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Nghị định ngày 22/11/1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách ra khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung kỳ. Trước đó Đắk Lắk thuộc địa phận đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum và bị Pháp nhập vào Lào. Ngày 2/7/1923, tỉnh Đắk Lắk mới được thành lập trở lại.
 
(Nguồn từ Lịch sử hành chính Đắk Lắk).

Theo tham khảo “La Province Nouvelle du Darlac” của Khâm sứ Tournier tại Lào năm 1901 thì "sứ mệnh Pavie" lúc ấy nằm trong bối cảnh đang có xung đột giữa Xiêm và Pháp. Sau Hòa ước Pháp - Xiêm được hai bên ký kết ngày 3/10/1893, vua Rama V của Xiêm tiếp tục hy vọng và yêu cầu Chính phủ Anh bảo hộ cho mình. Chính phủ Anh sau đó đã đàm phán với vua Pháp và đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng, nhưng phải đợi đến Hiệp ước Entente Cordiale năm 1904 giữa Pháp - Anh thì hai bên mới kết thúc những tranh chấp của họ tại khu vực Đông Nam Á. Theo Hiệp ước này, Xiêm nhượng lại Lào (và phần lớn phía Tây của Campuchia) cho Pháp. Đổi lại Pháp bảo đảm sự toàn vẹn phần còn lại của Xiêm, đồng thời phía Pháp yêu cầu Xiêm phải từ bỏ yêu sách của mình đối với các vùng Shan nói tiếng Thái, gồm vùng lãnh thổ phía tây sông Mê Kông - từ  Luang Prabang, Champasak của Lào và phía tây Campuchia.

Sau hòa ước Pháp - Xiêm (3/10/1893), Lào tách khỏi Xiêm và thống nhất (trước đó là các tiểu vương quốc), sau đó Pháp đã sáp nhập Cao nguyên Trung phần vào Lào - và tất nhiên lúc này chưa có địa danh Darlac (sau đây gọi là Đắk Lắk) theo nghĩa một đơn vị hành chính chính thức. Đến ngày 2/11/1899, theo Quyết định số 917 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì “đại lý hành chính Đắk Lắk” mới ra đời, thuộc vùng Stung Treng - tiểu Vương quốc Champasak - Lào (sau này tỉnh Stung Treng mới được chuyển về cho Campuchia trong thời kỳ Liên bang Đông Dương). Sau 9 năm, ngày 22/11/1904 Đắk Lắk mới chính thức tách khỏi Stung Treng (tức là khỏi Lào) để trở về với An Nam (Triều đình Huế) sau những tháng ngày “lưu lạc”, kể từ năm 1893 đến năm 1904.

Những nếp nhà dài buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) làm nên bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Mặc dù đã trở về với An Nam và đặt dưới sự cai trị của Khâm sứ Trung kỳ thuộc Pháp, nhưng Đắk Lắk trực thuộc tỉnh Phú Yên từ năm 1904 - 1913, sau đó trở thành một đại lý hành chính thuộc tỉnh Kon Tum. Cho đến ngày 2/7/1923, Đắk Lắk mới chính thức tách ra khỏi Kon Tum, trở thành tỉnh riêng và từ đó Buôn Ma Thuột chính thức đóng vai trò “thủ phủ” của vùng đất từng một thời thăng trầm và lưu lạc như đã nêu. Cái tên Buôn Ma Thuột từ đó gắn liền với đô thị phố núi không ngừng được mở rộng, phát triển theo dòng chảy của lịch sử - và khi nhắc đến đô thị ấy, luôn gợi lên dáng dấp một con người. Vậy con người đó là ai, có thật hay phảng phất như sương khói đại ngàn?

               (Còn nữa)

Kỳ 2:  Phố núi mang tên  một con người

      Đình Đối 


Ý kiến bạn đọc