Multimedia Đọc Báo in

Đậm tình quê hương qua những món ẩm thực truyền thống

06:32, 15/03/2022

Xa quê hương, những người Tày, Nùng sinh sống trên cao nguyên Đắk Lắk vẫn luôn nhớ về nguồn cội. Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, họ gửi ân tình, nỗi nhớ vào những món ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Hằng năm, cứ gần đến rằm tháng bảy âm lịch là gia đình chị Đỗ Thị Hiền (dân tộc Tày, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh gai. Lúc ấy, mọi người quây quần sửa soạn, gian nhà rậm rịch tiếng chày, tiếng cối. Chị Hiền cho biết, với người Tày, Nùng, rằm tháng bảy được xem là cái tết to thứ hai sau Tết Nguyên đán, đây cũng là dịp để các thành viên gia đình trở về nhà đoàn tụ.

Vào ngày này, mỗi gia đình đều làm bánh gai dâng cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính và cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Đến nay, gia đình chị vẫn giữ truyền thống ấy, chị cũng dạy con cháu trong nhà cách làm bánh để nét văn hóa không bị mai một. Chị còn tranh thủ gói thêm bánh cho những người con xa quê có nhu cầu trong dịp này.

Theo chị, công đoạn làm bánh gai khá cầu kỳ, từ khâu lựa gạo nếp, xay gạo, giã gạo, lên rừng hái lá gai rồi về luộc lá, giã lá, làm nhân, nặn bánh, gói bánh… có khi phải mất mấy ngày trời mới có thể làm nên một chiếc bánh gai hoàn chỉnh. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những chiếc bánh gai đen nhánh, mịn màng, có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu. Mỗi chiếc bánh chất chứa tấm lòng thành của người làm nên, đây còn là món quà quý để biếu người thân, bạn bè.

Các mẹ, các chị tham gia làm bánh dày tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2018 tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Ông Ma Văn Nghĩa (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) thì nặng ân tình với những nồi rượu men lá. Xa quê, vị nồng say của men lá như mùi vị của quê hương mà ông không thể nào quên. Vì thế hằng ngày ông cần mẫn nấu nên những nồi rượu men lá để phục vụ bà con Tày, Nùng sinh sống trên quê hương mới. Ông Nghĩa thổ lộ, để có được ly rượu men lá ấm nồng, thơm phức là cả một quá trình chế biến hết sức công phu, từ khâu làm men, ủ rượu đến chưng cất, bảo quản. Muốn nấu một nồi rượu ngon không hề đơn giản, mà phải đặt cả cái tâm, cái tình của mình vào đó. Đặc biệt, những nguyên liệu để làm nên men lá chỉ có ở trên rừng, trên núi, mà ở Đắk Lắk không có đủ vị thuốc nên hầu hết men lá dùng để nấu rượu phải nhờ người quen gửi từ ngoài Bắc vào. Đây là đồ uống rất riêng của đồng bào miền núi, một thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Dịp này, mọi người nâng chén rượu nồng, hàn huyên trò chuyện, cùng chúc nhau sức khỏe và cầu một năm may mắn, bình an.

Vào Đắk Lắk lập nghiệp, bà Đàm Thị Luyến (dân tộc Tày, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã quyết định gắn bó với nghề làm bánh cuốn truyền thống của dân tộc. Bà cho biết, nhớ hương vị quê nhà, mong muốn lưu giữ nét văn hóa, bà cần mẫn lựa gạo, tráng bánh… để không chỉ cộng đồng người Tày, Nùng mà còn nhiều dân tộc anh em khác sinh sống tại đây cùng thưởng thức món ăn dân dã này. Món bánh cuốn của người Tày, Nùng khá đặc biệt, ngoài nhân thịt heo, còn có món bánh cuốn nhân trứng, bánh không ăn cùng nước mắm chua ngọt mà ăn cùng với nước xương heo nóng sốt được ninh nhừ, thêm một thìa thịt băm, một ít hành, tiêu… Bên cạnh đó còn có giò lụa, măng ớt mắc mật ăn kèm. Tất cả hòa quyện, cái thơm của gạo, cái dẻo, mềm của vị bánh nóng, cái ngọt của nước hầm xương, cái chua cay của măng ớt mắc mật, cái ngạt ngào của hành mỡ quyện lại gói gọn trong bát bánh nóng hổi. Hương vị rất riêng, mùi vị hấp dẫn cùng cách thưởng bánh lạ khiến quán bánh cuốn nhỏ của bà lúc nào cũng nườm nượp khách.

Nhiều gia đình người Tày, Nùng ở huyện Ea Súp vẫn giữ truyền thống làm bánh gai mỗi dịp rằm tháng bảy. 

Anh Hoàng Văn Nam (dân tộc Nùng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) hằng năm lại mong ngóng đến ngày rằm tháng Giêng để có dịp được thể hiện tài nghệ, sự khéo léo ở phần thi ẩm thực tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tổ chức ở xã Ea Tam. Theo anh, đây là dịp những món ăn truyền thống hiện diện đông đủ, hơn nữa mọi người được cùng làm, cùng thi đua với nhau tạo nên một không khí hết sức sôi nổi. Tại lễ hội, những chú heo quay mắc mật vàng rộm, những ly rượu men lá nồng say, đặc biệt những chiếc bánh dày trắng muốt với nhịp chày rộn rã, chan chứa nghĩa tình... cùng cộng đồng người Tày, Nùng và nhiều dân tộc phía Bắc ở khắp Tây Nguyên tề tựu, cổ vũ và thưởng thức. “Hòa vào không khí ngày hội, được đắm mình trong không gian văn hóa, chế biến và thưởng thức những món đặc sản, truyền thống của dân tộc, trong lòng bỗng dấy lên niềm vui và tự hào khó tả”, anh Nam trải lòng.

Trải qua thời gian, các giá trị về văn hóa ẩm thực của người Tày, Nùng luôn được những người con xa quê gìn giữ. Họ không chỉ chế biến trong dịp lễ, Tết, dùng trong mâm cơm gia đình mà còn giới thiệu đặc sản quê hương với thực khách gần xa. Nhiều người dân đã phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh các món đặc sản của dân tộc mình.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.