Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nhà sàn truyền thống ở buôn Cư Drăm

08:08, 18/03/2022

Buôn Cư Drăm ở xã vùng sâu Cư Drăm (huyện Krông Bông) có 180 hộ đồng bào dân tộc Êđê. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân buôn Cư Drăm đã có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình trong buôn đã xây được nhà mới khang trang, chắc chắn, song đồng bào vẫn gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc mình.

Lần này là lần thứ ba gia đình Amí Điêu sửa chữa ngôi nhà sàn truyền thống. Trước đây, nhà sàn cũ có khung gỗ, mặt sàn và phên làm bằng lồ ô, mái lợp bằng cỏ tranh. Lần sửa mới đây gia đình bà đã bỏ ra hơn 80 triệu đồng tiền công thuê thợ về sửa chữa, nâng cấp lại ngôi nhà. Nhà sàn được cải tiến, cách điệu từ cầu thang, trần nhà, vách và một số thiết kế bên trong nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những nét cơ bản của nhà sàn truyền thống như cầu thang, gầm sàn, bậc cầu thang... Amí Điêu chia sẻ: “Mấy đứa con lớn đi làm việc có tiền lương đã xây cho bố mẹ căn nhà trệt rộng rãi, chắc chắn. Song ít khi gia đình mình sinh hoạt ở căn nhà xây đó vì mình ở nhà sàn truyền thống quen rồi”.

Những căn nhà sàn ở buôn Cư Drăm.

Với Ama Mai, ngôi nhà sàn gắn bó với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của ông. Nhà sàn truyền thống của gia đình ông làm bằng gỗ sao nên khá bền và chắc chắn. Bên cuối nhà sàn (gần với cầu thang phụ) ông vẫn duy trì bếp củi truyền thống. Ama Mai cho biết, nhiều lần con cái muốn xây cho bố một ngôi nhà xây khang trang, hiện đại để ở nhưng ông không đồng ý.

Với cựu chiến binh Ama Phương, dù con gái đã xây căn nhà trệt (kiểu nhà Thái) khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng ông vẫn quyết giữ lại căn nhà sàn truyền thống ở bên cạnh. Hằng ngày mọi sinh hoạt chủ yếu gia đình ông vẫn diễn ra trong nhà sàn, nhà xây chỉ khi nào có khách đến chơi mới mở cửa ra để tiếp khách.

Không chỉ lớp người già, nhiều người trẻ tuổi ở buôn Cư Drăm cũng yêu thích nhà sàn truyền thống. Như anh Y Dung Niê được cha để lại cho ngôi nhà sàn cũ, đã xuống cấp. Mới đây, vợ chồng anh nâng cấp, làm mới lại nhà sàn bằng gỗ chắc chắn, rộng rãi trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh Y Dung tâm sự: “Trước đây, ngôi nhà sàn lợp tranh chật chội, theo thời gian đã xuống cấp. Có tiền tiết kiệm nhưng mình không muốn xây nhà mới mà quyết định mua gỗ làm lại ngôi nhà sàn chắc chắn hơn để ở. Nhà sàn truyền thống của ông bà, mình phải gìn giữ chứ”.

Bên trong ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình Amí Song.

Hiện nay, trong buôn Cư Drăm có hàng chục gia đình vẫn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống. Những căn nhà sàn lợp bằng tranh, thưng bằng lồ ô ít dần mà thay vào đó là những nhà đóng ván, lợp tôn (hoặc ngói) cách tân rất đẹp, khang trang, rộng rãi, có giá trị nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Theo Trưởng buôn Ama Thuyên, đời sống của người dân buôn Cư Drăm đã cải thiện rất nhiều, kinh tế khấm khá hơn trước, nhiều gia đình có điều kiện làm nhà xây khang trang, song bà con vẫn giữ lại những ngôi nhà sàn truyền thống. Giờ gỗ hiếm nên bà con chủ yếu làm nhà sàn bằng gỗ tạp như gỗ muồng, gỗ xoan, gỗ chuồn, gỗ thông đỏ… Hiện buôn Cư Drăm còn gần 60 căn nhà sàn truyền thống Êđê. Không những vậy, nhiều gia đình còn giữ được những bộ cồng chiêng, ché cổ, ghế Kpan; duy trì được nhiều lễ cúng trong buôn.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.