Multimedia Đọc Báo in

“The Tale of Genji” - cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới

06:36, 25/03/2022

Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Song phần đông đều cho rằng đó chính là cuốn “The Tale of Genji” (Truyện kể Genji) của nữ tác giả người Nhật Murasaki Shikibu ra đời cách đây tròn một thiên niên kỷ.

Theo Bách khoa toàn thư mở, “Câu chuyện về Genji” hay “Truyện kể Genji” là thiên tiểu thuyết của nữ sĩ văn sĩ cung đình Nhật Bản mang biệt danh là Murasaki Shikibu (978 - 1016) sống dưới trướng của thứ phi Akiko trong cung Fujitsubo thuộc triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986 - 1011), không rõ tên thật bà là gì và ngày tháng năm sinh chỉ là ước đoán.

Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ kana, thuộc thể loại monogatari (truyện) cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Chủ đề xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji trong phần thập thiếp cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ.

Tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, nội dung phức tạp, gay cấn và rất quyến rũ. “Truyện kể Genji” trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại vào thời kỳ trung cổ tiền Phục Hưng. Về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu như “Đôn Ki-hô-tê” của Miguel de Cervantes thế kỷ 16.

Chủ đề “Truyện kể Genji” xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji.

Mặc dù “Truyện kể Genji” bản cổ ra đời khoảng năm 1008 - 1010 đã mất nhưng hậu thế vẫn biết nhiều điều về ấn phẩm này. Theo nghiên cứu mới nhất từ giới học giả Nhật Bản thì “Truyện kể Genji” là công trình của một người duy nhất, Murasaki Shikibu, với sự thêm thắt ở hai thế kỷ tiếp theo nhưng không đủ tầm cỡ để làm thay đổi bản gốc. Tuy “Truyện kể Genji” được coi là một tác phẩm văn chương với đề tài và ngôn ngữ thuần Nhật ra đời trong thời đại đang không ngừng hướng tới những giá trị văn hóa truyền thống nhưng vẫn dẫn dụng tới 131 đoạn văn thư tịch Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ, đương thời, Hán tịch vẫn phổ biến rộng rãi tại Nhật và trở thành điểm tựa không thể thiếu trong tư duy của người viết.

Theo GS. McCormick ở Đại học Harvard, thành công của “Truyện kể Genji” mang tính rất độc đáo bởi tác giả là một phụ nữ, sống trong xã hội phong kiến, nơi phụ nữ vẫn bị coi thường chứ chưa nói gì đến tiếng nói của họ trong xã hội, nhưng tác giả đã dùng chính nghệ thuật đã chọn để thể hiện bản thân và thân phận của giới mình. Murasaki Shikibu đã viết sách bằng hệ thống chữ kana, một hệ thống chữ viết phần lớn được phát triển dành cho phụ nữ. Kana cho phép phụ nữ thể hiện cá tính, trí tuệ và tự do của họ, và nó bị đàn ông coi thường. Song, những quan điểm phổ biến này không chỉ giúp “Truyện kể Genji” thành công vang dội ở Nhật, mà còn trở thành cuốn tiểu thuyết phẩm kinh điển quốc tế.

Tờ New Yorker cho biết “Chuyện kể Genji” tiếp tục truyền cảm hứng cho nghệ thuật và văn học Nhật Bản trong nhiều thế kỷ sau khi ra đời. Tuy nhiên, phải mất gần một nghìn năm nữa mới mới được thế giới biết đến. Ấn bản tiếng Anh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này do Arthur Waley dịch, được in năm 1925 và được đánh giá cao. Chính nó đã được nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woolf giới thiệu với công chúng bằng những lời khen ngợi, tuy có nhuốm màu định kiến chủng tộc theo cách nghĩ ngày nay.

Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, bản thảo gốc của tiểu thuyết đã bị phân mảnh. Vào những năm 1930, bốn chương đầu của nó được tìm thấy và được xác thực là của Fujiwara Teika. Chính phủ Nhật Bản coi đây là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.

Nguyễn Duy (Theo Grunge)


Ý kiến bạn đọc