Multimedia Đọc Báo in

Di sản trăm tuổi trên đất Buôn Đôn

09:03, 24/07/2022

Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Lào đến xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) rồi định cư, gắn bó xem đây như quê hương thứ hai của mình. Trải qua cả thế kỷ, bản sắc văn hóa Lào vẫn in đậm dấu ấn qua các hiện vật, truyền thống còn lưu giữ trên mảnh đất này.

Trên địa bàn xã Krông Na nói riêng, huyện Buôn Đôn nói chung có nhiều “di sản” trên 100 tuổi mang dấu ấn văn hóa Lào. Trong đó có thể kể đến cây bồ đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành. Cây đã được tổ chức kỷ lục châu Á, Hội Kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận là cây trồng lâu năm nhất trên vùng đất Tây Nguyên; năm 2015 được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Bà con ở đây kể rằng, ngày xưa, một nhà sư gốc Lào sang truyền đạo ở Buôn Đôn và chung sống với người dân ở đây. Ông đã cùng dân làng xây dựng nên một ngôi chùa nhỏ và mang cây bồ đề này từ Lào về trồng. Hằng năm, dưới bóng cây, cộng đồng dân cư buôn Yang Lành cùng những buôn xung quanh thường tổ chức lễ Phật vào mùa xuân và tổ chức các lễ hội truyền thống để cầu bình an, no đủ, hạnh phúc.

Cây bồ đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành.

Sau hơn 100 năm, cây bồ đề vẫn sừng sững tỏa bóng, nơi đây được người dân chăm chút bảo vệ cảnh quan, chọn làm điểm để cầu mong sự an lành trong tâm hồn.

Tồn tại đã hơn 130 năm, là nơi sinh sống của bao thế hệ cho đến tận bây giờ, đó chính là ngôi nhà cổ của Y Thu K'nul (1828 -1938), được mệnh danh là ông tổ nghề săn voi, người đã có công khai phá, mở đất, lập ra vùng Buôn Đôn. Trong cuộc đời mình, ông đã săn bắt và thuần dưỡng được gần 500 con voi rừng. Y Thu K'nul có bố là người Lào di cư tới vùng đất này, nên duyên với mẹ ông là người M’nông.

Ngôi nhà cổ này được ông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo kiến trúc chùa tháp của Lào - Thái, có 3 gian song song liền kề, khởi công từ tháng 10/1883 và hoàn thành tháng 2/1885. Theo gia phả ghi lại, để xây dựng ngôi nhà này, chủ nhân đã phải huy động 18 con voi kéo gỗ, 14 thợ lành nghề do thợ cả Tha Vi Vông Khăm Sao (một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào) chịu trách nhiệm thiết kế.

Cho đến ngày nay nghề săn voi đã không còn, chỉ còn lại trong những câu chuyện kể và kỷ vật. Những kỷ vật trưng bày trong ngôi nhà cổ khá đa dạng, hầu hết đều liên quan đến nghề săn voi như hũ thống kê số lượng voi bắt được trong suốt cuộc đời đi săn của một thợ săn voi.

Trong hũ đựng chừng 10 thanh gỗ dài khoảng 20 cm được đẽo tròn như chiếc đũa; mỗi khi săn được 1 con voi, sau khi làm lễ cúng nhập buôn làng, người ta lại mở hũ ra lấy một thanh gỗ rồi khắc vào thanh gỗ như những chiếc răng cưa. Cứ như thế trong suốt cuộc đời đi săn cho đến khi tuổi già bỏ nghề, người ta mới lấy ra đếm xem trong suốt cuộc đời mình đi săn đã bắt được bao nhiêu con voi, căn cứ vào những nấc khắc trên thanh gỗ.

Hay sợi dây da trâu, dụng cụ chính của thợ săn voi, dùng làm dây thòng lọng để săn bắt voi rừng. Dây có độ dài từ 90 - 100 m, làm từ da 7 con trâu đực. Khi đã bện thành thừng thì mang phơi ròng rã 3 tháng cả ngày lẫn đêm, sau đó đem cất trên gác bếp một mùa, trước khi sử dụng thì làm lễ cúng, vì vậy dây rất chắc, bền, sử dụng cả trăm năm mà không mục nát.

Ngôi nhà cổ hơn 130 tuổi ở Buôn Đôn.

Ngoài ra còn có lọng che nắng, che mưa của thợ săn voi, tấm nệm lót bành voi… Mỗi hiện vật cùng những câu chuyện chứa đựng trong đó, giúp người xem hồi tưởng về một quá khứ sôi động, hào hùng. Chị H’Cua Ayun, người chắt của gia đình cho biết, hiện tại, hai gian nhà phía ngoài được sử dụng làm gian thờ, nơi tiếp khách và trưng bày các hình ảnh, kỷ vật của các vua voi; đó là minh chứng rõ ràng nhất cho một huyền thoại với nghề săn bắt voi nổi tiếng.

Một nơi mang đậm chất văn hóa của người Lào mang yếu tố tâm linh, đó chính là khu nhà mồ, nơi an nghỉ của những bậc săn voi bậc nhất Bản Đôn, tọa lạc tại bìa rừng buôn Trí A. Trong đó, nổi bật là hai ngôi mộ của hai cha con thuộc dòng tộc K’nul danh giá nhất vùng, nhờ những chiến tích săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nức tiếng là Y Thu K’nul (1828 - 1938) và R’Leo K'nul (1887 - 1947).

Mộ được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn giữa người M’nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản. Khu mộ này không chỉ được con cháu dòng họ tới lui chăm sóc, mà còn trở thành một điểm viếng thăm của du khách khi đến với Buôn Đôn, tìm hiểu về huyền thoại săn voi nức tiếng Bản Đôn.

Ngoài ra, vốn văn hóa truyền thống của người Lào như Tết Bunpimay, điệu múa lăm vông, cho đến các món ăn, âm nhạc… cũng được cộng đồng người Việt gốc Lào ở Buôn Đôn gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong cộng đồng. Nét đẹp văn hóa như sợi dây vô hình mà bền bỉ kết nối tình đoàn kết các dân tộc, thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.