Multimedia Đọc Báo in

Điệu hát Pá Yông của người mẹ liệt sĩ

10:57, 07/08/2022

Đã trải qua 102 mùa rẫy, có biết bao ký ức đôi khi lại chợt về trong tâm tưởng của mẹ H’Prái Byă, dân tộc M’nông Kuênh ở buôn Ngô A, xã  Hòa Phong (huyện Krông Bông), trong đó có làn điệu Pá Yông mà bà yêu thích.

Theo lời của bà Amí Chiên, con gái mẹ H’Prái Byă, sau khi bà tròn 100 tuổi mọi việc đi lại, sinh hoạt cho đến vệ sinh cá nhân của bà đều do người nhà chăm sóc, bà cũng trở nên ít nói hơn.

Tuy nhiên, mỗi khi tỉnh ngủ, mẹ H’Prái bật dậy ngồi trầm ngâm một mình như đang nghĩ ngợi về một điều gì xa xăm lắm. Dù giọng nói không tròn vành, rõ chữ, đôi khi mẹ phải ngừng lại vì ở tuổi trên 100 mẹ không còn minh mẫn, nhưng khi mẹ cất lên hát Pá Yông bằng chính tiếng mẹ đẻ, thì mọi người trong gia đình như được sống lại những ngày mà những người con của núi rừng còn say với những nhịp chiêng, vòng xoang hay những làn điệu dân ca (klei muinh đưm)…

Mẹ H'Prái Byă ngồi giữa, bên trái là con gái của mẹ.

Hát Pá Yông không chỉ độc đáo về âm điệu mà nó còn là sự tổng hòa của hai thể loại hát đối đáp và hát ru. Giá trị của một bài hát Pá Yông phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm sống của nghệ nhân vì nội dung không có trước, câu chuyện kể là do nghệ nhân sáng tác theo ngẫu hứng; nếu hai người đối đáp tích lũy được vốn sống càng nhiều thì khi cất lên điệu hát Pá Yông càng dài, càng sâu sắc, khiến người nghe say đắm, thán phục. Vì thế, ở buôn Ngô A hiện nay duy nhất chỉ còn mẹ H’Prái Byă hát được làn điệu này. Những năm trước đây, khi còn minh mẫn mẹ vẫn đau đáu một điều làm thế nào để truyền dạy lại điệu hát cho con cháu, song mong muốn là thế nhưng lớp trẻ vẫn thờ ơ. Có lẽ vì thế mà người mẹ liệt sĩ 102 tuổi đời vẫn còn trăn trở.

Amí Chiên kể, hôm đó ngồi trong nhà nhìn thấy xe cơ giới làm đường bê tông trong buôn, mẹ H’Prái liền cất lên những câu hát ví von, so sánh thời trẻ của bà cùng đoàn dân công của buôn đi tải lương thực phục vụ cách mạng; khi đi qua những cánh rừng, đoàn dân công của bà mở đường chỉ bằng chiếc xà gạc, còn ngày nay nhờ có máy móc mà làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Hoặc ngày tiễn người cháu trai gọi bà bằng bà cố lên đường nhập ngũ, trong lúc mọi người liên hoan trò chuyện, bà đã hát Pá Yông để động viên cháu hăng hái tòng quân nhập ngũ. Cũng theo lời kể của bà Amí Chiên, mỗi khi chứng kiến một việc gì quan trọng trong buôn hoặc trong gia đình, mẹ H’Prái đều hát Pá Yông và mỗi lần hát xong lại ngồi khóc một mình. Gia đình hỏi vì sao khóc thì bà chỉ nói một câu “Nếu bà chết rồi thì chẳng còn ai nhớ đến làn điệu của cha ông mình, buồn lắm…”.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.