Độc đáo kiến trúc nhà ở của người H’rê
Vẻ đẹp nguyên sơ, độc lạ về đường nét kiến trúc nhà cửa của đồng bào các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên là yếu tố gợi nhiều cảm xúc, hứng thú cho những ai đầu tiên đặt chân đến vùng đất này.
Các nhà nhiếp ảnh, thám hiểm, dân tộc học đã thu vào ống kính những bức ảnh tư liệu quý hiếm về nhà ở của các dân tộc. Đặc biệt, nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Carrier đã dày công thực hiện bộ ảnh tư liệu về kiến trúc nhà ở của các dân tộc trong thời gian làm việc cho Tập đoàn RAND (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tây Nguyên) từ năm 1962 - 1973. Những bức ảnh của ông không thiên về nghệ thuật mà là phương tiện khảo tả dân tộc học, tái hiện bức tranh đa dạng, chân thực về buôn làng cổ truyền, nhà ở của đồng bào.
Trong giai đoạn những năm 1960, Joseph Carrier đã đến tận các huyện Ba Tơ, Trà Bồng (Quảng Ngãi) nghiên cứu và chụp ảnh nhà ở của dân tộc H’rê, dân tộc Cor. Số lượng ảnh về dân tộc H’rê trong bộ sưu tập ảnh của ông không nhiều nhưng đều chứa đựng góc nhìn đậm chất “dân tộc học” và nghệ thuật.
Đó là một tấm ảnh chụp ngôi làng dân tộc H’rê gối vào dãy núi, những ngôi nhà tranh vách nứa kiên cố, bố trí quy củ, thoáng đãng, sạch sẽ, không thấy chuồng trại nuôi gia cầm, gia súc bên cạnh nhà hoặc dưới gầm sàn.
Cây cối trong vườn xanh tươi, đầy sức sống, những cây cau vươn lên nền trời xanh rất duyên dáng. Một bức ảnh khác chụp hướng mặt tiền ngôi nhà dài của người H’rê. Phông sau của ảnh là hai quả đồi nhỏ nổi lên, làm cho cảnh quan kiến trúc càng thêm đẹp.
Bức ảnh này tác giả vừa đặc tả kiến trúc, vừa thể hiện cách sinh hoạt của đồng bào trên ngôi nhà. Người đàn ông đóng khố leo lên chiếc cầu thang gỗ để lên sàn nhà. Trước hiên nhà nhiều người đang ngồi nghỉ ngơi, một đứa trẻ đứng tựa vào cột.
Nhà ở của dân tộc H’rê. Ảnh: Joseph Carrier |
Nhà sàn H’rê được nâng đỡ bởi hai loại cột: cột cái và cột sàn. Tùy theo chiều dài mà nhà có 14, 18 hay 22 cột chính, thông thường mỗi hàng có 7 - 9 cột. Hai hàng cột nhà ở hai bên là cột chính chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà, còn cột giữa cũng dựng dọc theo tiết diện ấy nhưng chỉ để nâng sàn. Nhà ở của đồng bào H’rê luôn có hai mái hiên trước và hiên sau. Hiên trước (inh chinh) dành để tiếp khách, hiên sau (inh đoong) dành cho phụ nữ dệt vải, đan lát và tiếp khách nữ. Phần giữa nhà (giới hạn bởi các vách) chia ra các phần nhỏ bởi các cây cột bếp. Bếp chính của vợ chồng chủ nhà gần với phía đầu nhà, tiếp đến là bếp của gia đình nhỏ (con cái đã có vợ, chồng nhưng chưa ra riêng).
Mái nhà lợp tranh, phía hai đầu nóc tếch hai búi tranh thành “sừng”. Đây là dấu hiệu để nhận biết ngôi nhà truyền thống của đồng bào H’rê. Trước đây, trong kiến trúc nhà mồ, những chiếc “sừng” trên mái cũng được đồng bào H’rê tạo tác với đường nét đẹp, mềm mại dành cho người quá cố. Vách nhà người H’rê được thưng bằng tre đan dựng dọc giữa sàn và mái. Nhà sàn người H’rê có 3 cửa: cửa trước để tiếp khách, cửa sau và cửa hông vách nhà. Theo quan niệm của đồng bào, đây là cửa chính, nơi nhìn ra khoảng sân đặt giàn cúng, đặt các tín hiệu kiêng cữ, người ngoài không được vào nhà theo cửa này. Khi nhà có cữ, các cửa đều giắt nhành lá tươi, khách chỉ được ngồi ngoài hiên mà không được vào nhà. Cầu thang làm bằng cây gỗ dựng từ dưới đất để lên sàn nhà.
Cũng như các dân tộc khác, đồng bào H’rê rất xem trọng ngôi nhà. Nó gắn bó với cả cuộc đời con người, không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi tiến hành các lễ thức quan trọng của chu kỳ đời người: cưới xin, sinh đẻ, tang ma… Ngày nay, qua thời gian, do sự phát triển của xã hội hiện đại, sự thay đổi về nhu cầu, nếp sống, nguồn nguyên vật liệu, nên các buôn làng H’rê không còn giữ được các ngôi nhà cổ xưa. Song, để bảo tồn nét độc đáo, giá trị di sản kiến trúc, nhà ở truyền thống của dân tộc H’rê đã được phục dựng, gìn giữ tại Làng du lịch cộng đồng ở làng Teng, huyện Ba Tơ, khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Quảng Ngãi.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc