Multimedia Đọc Báo in

Mùa quả thơm “Hương rừng”

06:30, 14/08/2022

Đến nay, Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng” (Trại sáng tác) do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (VHNT) tổ chức đã bước sang tuổi thứ 8, là một sân chơi không chỉ giúp các học sinh được rèn luyện văn chương, mà còn có cơ hội trải nghiệm để trưởng thành.

Năm nay, Trại sáng tác có 25 trại viên là những học sinh có năng khiếu văn chương được tuyển chọn từ các trường trên cả tỉnh, trong đó có 10 học sinh dân tộc thiểu số.

Nhà văn Cao Duy Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) truyền dạy kiến thức cho các em tham gia trại sáng tác.

Hướng dẫn, giảng dạy các em trong Trại sáng tác, ngoài những giảng viên là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh như nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm, nhạc sĩ Vũ Lân, thầy Lê Thành Văn… còn có các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước như nhà văn Cao Duy Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam), nhà văn Đỗ Bích Thúy (Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Nguyễn Thiếu Nhơn (Hội Nhà văn Việt Nam); là những cây bút có nhiều sáng tác về miền núi và dân tộc thiểu số. Dù mỗi giảng viên có một phong cách sáng tác, cách truyền đạt khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là mang đến cho các trại viên những kiến thức quý giá về văn chương và sáng tác văn chương, truyền cảm hứng, giúp các em có thêm năng lượng trong quá trình sáng tác.

 

“Để các em theo đuổi sáng tác văn chương, Hội VHNT tỉnh cần có kế hoạch đầu tư chiều sâu hơn đối với những trại viên đã thể hiện được năng khiếu ở Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng” - nhà văn Cao Duy Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam).

Bên cạnh những giờ trao đổi trên lớp, các trại viên còn có các buổi trải nghiệm thực tế. Bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Trại sáng tác cho biết: “Ngoài các hoạt động nâng cao kỹ năng viết văn, thơ, chương trình còn tạo cho các em sự tự tin khi sống ở tập thể, cơ hội tìm hiểu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên”. Trong 7 ngày tham gia Trại sáng tác, các trại viên đã trải nghiệm thực tế tại bến nước (huyện Cư M’gar) nghe nghệ nhân kể sử thi, chuyện cổ tích, nghe tiếng sáo, tiếng tù và để am hiểu thêm âm nhạc Tây Nguyên; về buôn du lịch cộng đồng, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống; hay tham gia những hoạt động ý nghĩa, có giá trị sâu sắc như thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, giao lưu tặng học bổng, tặng quà với học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, tìm hiểu quá trình sản xuất cà phê để thêm yêu vùng đất, sản vật của quê hương mình… Những hoạt động trải nghiệm thực tế đã mang đến những cảm xúc chân thực, cùng những kỹ năng được truyền dạy tại trại sáng tác đã giúp các bạn trẻ biết nắm bắt, khai thác đề tài về vùng đất Tây Nguyên thân thương tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa.

Trại sinh Bùi Knul Xuân Thy tâm tình: “Em và các bạn rất thích các hoạt động trong Trại sáng tác, trước mỗi chương trình chúng em luôn háo hức và chờ đón những điều mới mẻ”. Bản thân em rất xúc động khi được thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng và phấn khởi khi tham gia trải nghiệm thực tế tại buôn Tăng Jú để tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, em đã và đang hoàn thiện một tác phẩm về văn hóa truyền thống dân tộc Êđê. Trại sinh Vũ Ngọc Huyền không quên gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức, bởi nhờ tham gia Trại sáng tác mà em đã được khám phá, phát hiện những vẻ đẹp ẩn chứa ở Tây Nguyên, thấy gần gũi hơn với mảnh đất mà mình sinh ra và lớn lên, sau chuyến đi em nhận ra mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Các trại viên tặng quà, giao lưu cùng học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh.

Quả ngọt của Trại sáng tác là 50 tác phẩm thơ và văn xuôi của các trại sinh. Đánh giá về chuyên môn, nhà văn Cao Duy Sơn cho hay, mặc dù các tác phẩm chủ yếu ở dạng bản năng, rất ngây thơ, nhưng điều đó đã thể hiện niềm yêu thích văn học của các em, có một số tác giả đã hình thành cách viết của mình, đó là một điều rất đáng mừng. Đơn cử trại viên Duy Tuấn, chỉ mới là học sinh tiểu học nhưng đã có thể sáng tác được truyện ngụ ngôn đồng thoại về các loại thú rừng, rất trẻ em nhưng cũng rất sâu sắc, có thể biên tập thêm và đăng trên tạp chí. Một số trại viên đã có từ 2 - 3 tác phẩm được hoàn thành ngay trong thời gian tham gia Trại sáng tác. Em H’Bia Kbuôr từng tham gia Trại sáng tác thơ, văn “Núi Hoa” (Cư M’gar), nay đến với “Hương rừng” em có cơ hội tích lũy thêm nhiều kiến thức, chắt lọc được nhiều vốn từ hay phục vụ việc sáng tác.

Thành công của trại sáng tác phải kể đến vai trò của Hội VHNT tỉnh với cách tổ chức chu đáo, từ việc tìm giảng viên, địa điểm đi thực tế đến cả vấn đề ăn ở của trại sinh… đều được chuẩn bị kỹ. Vì thế, thông qua Trại sáng tác, không chỉ được bồi dưỡng về văn chương, các em còn được trang bị thêm kỹ năng sống, cách ứng xử và khả năng hòa nhập. Những e dè lạ lẫm ban đầu nhanh chóng thay cho sự gần gũi yêu thương và sẻ chia với nhau những khó khăn trong cuộc sống.

Trại sáng tác năm nay đã kết thúc, nhưng vẫn đọng lại dư âm ngọt ngào. Chương trình đã góp phần khơi gợi cảm hứng để các em bộc lộ niềm yêu thương chân thật về mảnh đất, tình người.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.