Multimedia Đọc Báo in

Vẽ bằng đất đỏ bazan

10:39, 26/08/2022

1. Tây Nguyên bây giờ đang cao điểm mùa mưa. Lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên cũng vào mùa mưa, 33 năm trước.

Buổi chiều, mưa ào ạt, mờ mịt buôn làng và rừng núi. Sau cơn mưa, tôi đi ra đường và cảm thấy hai bàn chân mình trở nên nặng trĩu. Dưới đôi dép nhựa là một tảng đất dính chặt, càng đi tảng đất càng dày thêm, không thể đi được nữa. Đất bazan là vậy đấy!

Người dẫn đường bày tôi cách xử lý đôi dép lúc này đã trở thành như đôi giày với hai cái đế bazan nặng trịch, bằng cách dùng con dao để gọt cái đế ấy đi. Nhưng tốt nhất là nên xách đôi dép lên và đi bộ để cảm nhận cho hết cái chất màu mỡ của đất bazan. Đất bazan đã nhuộm đỏ hai bàn tay nhòe nhoẹt đất của tôi. Hai ống quần cũng bê bết đất đỏ. Chiếc áo cũng nhuộm những vệt đỏ. Tôi nhìn những người đi rẫy về, cả người họ như bức tượng nắn bằng khối đất đỏ.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Vậy mà qua một ngày nắng lên, đến chiều thì lớp đất đỏ trên bề mặt đã nhanh chóng khô khén và tơi mịn. Một chiếc xe tải chạy qua, quầng bụi bốc lên nhuộm đỏ những hàng cây ven đường. Những ngôi nhà ven đường như được sơn bằng một màu nâu tươi. Những chiếc xe simson lầm lũi chạy trong bụi đỏ. Cảnh vật y như một bức tranh bột màu với những sắc độ đậm nhạt của màu nâu đỏ từ đất bazan.

Tôi đã lấy một miếng đất đỏ dưới đôi dép nặng trĩu của mình và ấn vào trang giấy của cuốn sổ tay để lưu lại dấu ấn hội ngộ với bazan. Phút giây đó tôi chợt nghĩ: Sao các họa sĩ không dùng đất đỏ bazan mà vẽ tranh Tây Nguyên? Ý nghĩ đó thoáng qua rồi mất hút trong ngồn ngộn đất đai, núi rừng, nắng gió Tây Nguyên.

2. Chiều qua, tháng bảy, trời Huế mưa. Tôi ngồi với một nhóm họa sĩ, nói chuyện lan man rồi cũng lan tới chuyện Tây Nguyên mùa mưa. Vậy là cái kỷ niệm chiều mưa Krông Năng 33 năm trước và đôi dép nặng trĩu đất bazan đã trỗi dậy. Tôi hỏi các họa sĩ: Có thể dùng đất bazan để vẽ tranh được không? Các họa sĩ lắc đầu quầy quậy: làm răng mà vẽ được! Đất bazan tơi xốp, khi màu khô sẽ rớt hết khỏi toan vải. Đủ thứ lý do được đưa ra để bác bỏ ý tưởng vẽ tranh bằng đất bazan. Nhưng tôi vẫn tin. Không gì là không thể!

Thoạt kỳ thủy có ai nghĩ cái chất nhựa màu đen sẫm của cây sơn trên núi lại có thể dùng để tạo nên bức tranh sơn mài đẹp lung linh như thế. Chất nhựa đó còn bị liệt vào loại chất độc, gây dị ứng mạnh với da người, sưng phù mặt, lở loét rất khó chịu. Vậy mà ông cha ta đã chế biến nó thành một vật liệu để sơn phủ những ngôi nhà rường, và tạo nên dòng tranh sơn mài tuyệt mỹ. Tất nhiên, để cái chất liệu thiên nhiên hoang dã đó trở thành vật liệu mỹ thuật còn phải qua một quá trình chế biến, đào luyện.

Vậy thì cục đất bazan cũng hoàn toàn có thể trở thành một họa phẩm, nếu có bàn tay chế biến, đào luyện, và đương nhiên phải có sự tham gia của các chất phụ gia. Bằng sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, với sự tham gia của các chuyên gia hóa học, các kỹ sư vật liệu mỹ thuật, cùng óc sáng tạo của các họa sĩ, tôi tin sẽ cho ra đời một một thứ vật liệu mỹ thuật mang tên bazan.

Tài liệu lịch sử mỹ thuật thế giới cho thấy hầu như các vật liệu để vẽ tranh đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Bột màu là thứ vật liệu cổ xưa nhất, ra đời từ thời kỳ đồ đá mới. Người nguyên thủy đã vẽ tranh lên vách hang đá bằng loại màu tự nhiên nghiền từ đất đá, trộn với chất kết dính là tủy xương hay mỡ động vật mà họ đã săn bắt được. Bột màu ngày nay là một vật liệu có nguồn gốc từ khoáng thạch, trong các quặng kim loại hoặc hợp chất hóa học, khi vẽ thì người ta pha thêm nước và bột keo để tạo kết dính. Đất bazan tơi xốp, mịn màng trông cũng giống như một loại bột màu, hay chính xác hơn, như một thứ nguyên liệu của bột màu.

Trên thế giới, một họa sĩ 17 tuổi đến từ bang Uttarakhand - Ấn Độ đã sử dụng bùn để vẽ các tác phẩm nghệ thuật của mình. Hầu hết các bức tranh Ayush Bisht vẽ đều sử dụng bùn đất tự nhiên được lấy từ nhiều ngôi làng ở bang Uttarakhand. Ngoài bùn, Ayush Bisht còn sử dụng các vật liệu khác như than và chân hương để vẽ tranh. Sự kết hợp đó đã tạo ra một sắc thái hoàn toàn mới cho các tác phẩm của mình, qua đó quảng bá văn hóa vùng đất quê hương. Vậy thì tại sao các họa sĩ không dùng đất bazan của xứ sở mình mà tạo nên những tác phẩm mỹ thuật mang đầy ắp hồn cốt của Tây Nguyên - vùng đất của những cao nguyên đất đỏ bazan huyền ảo và trù phú?

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.