Tây Nguyên - Chấm phá “miền đất hứa” của dân tộc học
Từ xưa Tây Nguyên đã là một bảo tàng sống về dân tộc học hấp dẫn và kỳ bí. Và đến nay đây vẫn là “vùng đất hứa” cho những nghiên cứu về lịch sử và văn hóa.
Tìm hiểu và nghiên cứu về miền đất dưới góc nhìn dân tộc học thì không thể không nói đến vai trò của người Pháp. Từ những viên quan cai trị, nhà buôn, nhà truyền giáo, nhà thám hiểm và cả những người thích phiêu lưu mạo hiểm cho đến các nhà khoa học đều tìm thấy ở Tây Nguyên sức hút mãnh liệt của điều cần khám phá và lý giải. Ngay cả những học giả nổi tiếng như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi trong tác phẩm bản lề, có tính chất tiên phong trong học thuật dân tộc học nước nhà cũng phải nhắc đến đóng góp của người Pháp với công trình nghiên cứu của mình.
Cuốn sách “Người Êđê: Một xã hội mẫu quyền” của tác giả Anne de Hauteclocque. |
Người Pháp thuộc nhóm sớm nhất đến và gắn bó lâu dài với Tây Nguyên vào thế kỷ 19 phải kể tên nhà truyền giáo Dourisboure, trong cuốn hồi ký của mình, bên cạnh công việc chính cũng đã phần nào mô tả cuộc sống của người Ba Na.
Anne de Hauteclocque là một nhà khoa học nữ. Bà đã cho xuất bản cuốn sách chuyên ngành về dân tộc học dịch sang tiếng Việt là “Người Êđê: Một xã hội mẫu quyền” vào năm 1969. Trong lời giới thiệu đã đánh giá đây là cuốn sách quý: “Người Êđê: Một xã hội mẫu quyền” ban đầu là một công trình nghiên cứu dân tộc học được nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque thực hiện vào năm 1962 về thiết chế xã hội của người Êđê, đặc biệt nhấn mạnh vào lý giải sự ràng buộc giữa các thành phần dân cư trong một xã hội “mẫu quyền”. Công trình của bà gây dấu ấn tiêu biểu ở khía cạnh thực địa, điều tra và thống kê, cũng như tham khảo kỹ lưỡng các hồ sơ luật tục, để từ các dẫn liệu thực tế tái dựng lại mô hình thiết chế sự hình thành các mối quan hệ nội tại thuộc xã hội mẫu quyền của người Êđê ở Đắk Lắk”.
Cuốn sách được hình thành từ việc nghiên cứu thực tế tại chỗ dân tộc Êđê ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk qua hơn một năm trời. Tác giả Anne de Hauteclocque kể lại: “Công trình này là kết quả 14 tháng (từ tháng 4/1961 đến tháng 6/1962), sống ở Đắk Lắk, một tỉnh cao nguyên miền Nam Việt Nam, phần lớn là nơi cư trú của người Êđê. Mục đích của cuộc điều tra là qua sinh hoạt của một làng, nghiên cứu tổ chức xã hội của gia đình người Êđê, một xã hội thuộc ngữ hệ Nam Á, quan sát quy tắc truyền thống mẫu hệ cùng cách ở rể. Sau hai tháng ở Buôn Mê Thuột, thủ phủ của tỉnh, cuộc khảo sát đã diễn ra một năm ở buôn Pốk, một làng khoảng năm trăm cư dân, cách thủ phủ 22 cây số. Phần lớn tư liệu được thu thập trực tiếp ở đây bằng tiếng Êđê...”.
Trong số các công trình trong nước không thể không nhắc đến cuốn sách ra đời năm 1937 và được tái bản vào năm 2011 với tên gọi “Người Ba-Na ở Kontum” của học giả Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Kinh Chi được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Dù không được đào tạo bài bản, và cách đây gần cả thế kỷ, khi khoa học chuyên ngành và liên ngành chưa phát triển nhưng tác giả bằng tài năng, kiến thức và sự nhạy cảm của một nhà khoa học thực sự đã có một thành tựu như một cột mốc sừng sững cho ngành dân tộc học Việt Nam. Bằng phương pháp điền dã, điều tra dân tộc học, khảo tả thực tế qua việc hóa thân thành dân bản địa để đồng cảm và từ đó thâm nhập thực tế một cách sâu sắc trong hành trình khoa học của mình, các tác giả đã để lại một cuốn sách để đời. Một nhà khoa học đã đánh giá: “Đây là một công trình điều tra dân tộc học… Toàn bộ tài liệu trong tập sách đều được hai tác giả ghi chép trong những ngày sống ở Kon Tum. Sách vừa là một cuốn địa lí học lịch sử, khảo sát đất đai cương vực, kinh tế, chính trị tỉnh Kon Tum qua các thời kì, vừa là một chuyên khảo dân tộc học, tìm hiểu các tộc người cộng cư ở đây, nguồn gốc chủng loại của họ, và phong tục tập quán, bao gồm “thân thể, tâm tính, triết lý tín ngưỡng, thiên văn địa lý, hương thôn giao tế, gia tộc cư xử, sinh tử giá thú, sĩ nông công thương, du hí mỹ thuật… rất tỉ mỉ”.
Và bài viết ngắn này cũng chỉ mới chạm bước chân “cưỡi ngựa xem hoa” khi đến với đại ngàn Tây Nguyên về khoa học xã hội, nơi có “trữ lượng tài nguyên” dân tộc học rất dồi dào; những dòng này cũng chỉ mới điểm xuyết một vài chấm phá về bức tranh rộng lớn một vùng đất hứa, luôn gọi mời những người yêu quý Tây Nguyên vì vùng đất này vẫn còn nhiều điều kỳ thú và bí ẩn vẫn đợi chờ khám phá.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc