Ban nhạc Kẹng Tí ở vùng biên
Ở huyện vùng biên Buôn Đôn, cái tên ban nhạc Kẹng Tí đã không còn xa lạ trong các lễ hội, sự kiện âm nhạc hay tiệc cưới hỏi.
Ra đời từ năm 2014 với ban đầu chỉ 3 thành viên, hiện ban nhạc đã thu hút 12 thành viên. Dù không qua trường lớp chuyên sâu, nhưng với tình yêu tha thiết nhạc cụ các dân tộc, họ không ngừng trau dồi, học hỏi, góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống.
Y Nô Ly Kbuôr, Trưởng nhóm chia sẻ, các thành viên ban nhạc đều sinh ra và lớn lên ở buôn Trí, xã Krông Na. Đây cũng là lý do mà ban nhạc có tên là Kẹng Tí, theo cách gọi của người Lào có nghĩa là Bản Trí hay Buôn Trí bây giờ. Ngoài ra, Kẹng Tí cũng là tên gọi của một thác nước nằm giữa dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ. Tên gọi này gắn liền với địa danh còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc.
Ban nhạc Kẹng Tí cùng đội múa trong một lần tham gia biểu diễn phục vụ du khách. |
Điều đặc biệt, ban nhạc tập hợp thành viên với nhiều dân tộc khác nhau như Êđê, M’nông, Lào, tuy công việc mỗi người ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, bán hàng, làm nông nhưng họ lại gắn kết với nhau bằng tình yêu âm nhạc. Cho nên dẫu tất bật với cuộc sống thường ngày, nhưng khi thả hồn mình trên sân khấu, những trái tim ấy như những nghệ sĩ chuyên nghiệp, hòa cùng nhịp đập với khán giả, người yêu âm nhạc.
Đa tài trong cách thể hiện, hầu hết thành viên đều có thể chơi nhiều loại nhạc cụ và kiêm luôn ca sĩ. Nổi bật như anh Y Bun Mán Hwing không chỉ là ca sĩ chính, giỏi guitar, đánh được cồng chiêng, ching kram, mà còn phụ trách về dàn dựng, lên kịch bản, dẫn chương trình và lo trang phục, công tác truyền thông cho ban nhạc. Ngoài ca sĩ chính Y Bun Mán Hwing, Trưởng nhóm Y Nô Ly Kbuôr cũng hát rất hay và thành thạo cồng chiêng, ching kram, các loại nhạc cụ Lào (khèn, đàn, pong lan, trống, sèng). Hay như Y Thuyết Êban, không chỉ am hiểu, thành thạo cách chơi các loại nhạc cụ, cách chỉnh âm, mà còn có chất giọng khỏe khoắn.
Ban nhạc Kẹng Tí trình bày ý tưởng tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp huyện. |
“Sở hữu” nhiều thành viên vừa đa tài, vừa có vốn hiểu biết văn hóa nhiều dân tộc nên khi nhận bất cứ show diễn nào, ban nhạc Kẹng Tí đều có thể thiết kế chương trình theo yêu cầu với đủ đa dạng tiết mục truyền thống của dân tộc Lào, Êđê, M’nông và cả hát, múa.
Hằng tháng, Kẹng Tí đều đặn nhận được đặt hàng từ các khu du lịch, các chương trình, sự kiện. Có những tháng cao điểm như dịp lễ hội, ngày hè, ban nhạc nhận tới 20 show. Theo Trưởng nhóm Y Nô Ly Kbuôr, được mọi người trân trọng tìm hiểu từng loại nhạc cụ, say sưa theo từng tiết mục nhóm biểu diễn là thành công lớn nhất của ban nhạc. Yêu thương ấy đã giúp nhóm tiếp tục duy trì công việc của mình cũng như nỗ lực góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc dân tộc trong cuộc sống đương đại.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn đánh giá, Kẹng Tí là ban nhạc người dân tộc thiểu số đầu tiên quy tụ nhiều hạt nhân có tố chất nghệ sĩ, am hiểu văn hóa, lại đam mê nhạc cụ truyền thống trên địa bàn huyện. Với lợi thế sinh ra ở địa bàn có nhiều khu du lịch nổi tiếng, các thành viên ban nhạc phát huy được khả năng của từng thành viên, nhiệt tình, trách nhiệm, biểu diễn chuyên nghiệp trong các chương trình, sự kiện được kết nối. Nỗ lực ấy của họ góp phần không nhỏ trong quảng bá du lịch, truyền thống địa phương.
Để Kẹng Tí ngày càng vươn xa hơn, mới đây, ban nhạc đã tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp huyện và Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cấp tỉnh tổ chức. Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc” của họ giành giải Ba cấp huyện, được ông Phan Bảo Long, Huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Tổ chức đào tạo và phát triển doanh nghiệp - SIC, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư nhạc cụ. Những món quà ấy như tiếp thêm cảm hứng, niềm vui để các thành viên tiếp tục say mê với âm nhạc truyền thống.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc