Multimedia Đọc Báo in

Biến các giá trị lịch sử, văn hóa Tây Nguyên thành động lực phát triển

07:02, 27/11/2022

Biến các giá trị lịch sử, văn hóa Tây Nguyên thành động lực phát triển là vấn đề được đặt ra từ lâu - và hơn một thập kỷ qua đã thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đã có hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học mở ra nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên.

Bảo tồn để khai thác, phát huy

Mới đây, ngày 11/11/2022, tại TP. Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” cũng không ngoài mục đích ấy, qua đó giúp chính quyền năm tỉnh trên địa bàn chiến lược này tạo dựng động lực, hay nói đúng hơn là nội lực để phát triển và hội nhập.  

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đã đề đạt, tham luận tại hội thảo nhằm củng cố thêm căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn sinh động, góp phần tham vấn vào những chính sách cụ thể, sát thực cho các tỉnh thực hiện có hiệu quả việc khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cúng bến nước (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) là một trong những nghi thức cố kết cộng đồng để phát triển. Ảnh: H. Sơn

Hầu hết các ý kiến, tham luận đều nhấn mạnh đến việc bảo tồn, gìn giữ những di sản lịch sử, văn hóa được tạo dựng, vun đắp trên địa bàn Tây Nguyên trong suốt chiều dài lịch sử. TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho rằng, để khai tốt các giá trị ấy thì công tác bảo tồn, tôn tạo phải được quan tâm hàng đầu. Công tác này phải được thực hiện đúng quy trình khoa học - vừa bảo đảm nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng, vừa hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong mọi dự án đầu tư khai thác, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa hiện hữu.

 

“Việc bảo tồn, phát huy các giá trị vốn lịch sử, văn hóa trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay là vấn đề quan trọng và căn cơ nhất trước khi nói đến vấn đề khai thác, phát huy nó như một lợi thế, hay động lực để giúpTây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ và hiệu quả”.

 
 TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

Bên cạnh những gợi mở có tính chất hàn lâm và căn bản ấy, một số ý kiến trao đổi, đóng góp từ phía các nhà quản lý văn hóa năm tỉnh khu vực Tây Nguyên đã cho thấy sự sát sườn, cấp bách hơn trong việc bảo tồn vốn di sản ở đây (di tích lịch sử, văn hóa truyền thống) trước khi khai thác, phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như một động lực đích thực.

Động lực đến từ những giá trị căn cơ nhất

Ví như một số giá trị văn hóa tiêu biểu cần được bảo tồn, phát huy trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay - đó là thiết chế tự quản buôn làng và luật tục của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã được các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý phân tích và mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau. ThS. Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Thông tin Gia Lai) cho rằng, thiết chế tự quản buôn làng là hình thức quản lý xã hội cổ xưa, đến cuối thế kỷ 20 chỉ còn sót lại ở một số ít nơi trên thế giới, trong đó có Tây Nguyên. Thiết chế này dựa trên cơ sở tuân theo và thực hành luật tục - mặc dù sơ giản và gọn nhẹ, chỉ với người đứng đầu là chủ làng cùng với sự tham vấn của hội đồng già làng, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây đã vận hành và quản trị buôn làng một cách hữu hiệu trên các mặt đối nội, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Còn luật tục được coi là giá trị văn hóa xã hội đặc trưng, tiêu biểu chỉ có ở Tây Nguyên, có vai trò như luật pháp sơ khai nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên. Mục tiêu của từng điều trong luật tục đều ràng buộc tất cả thành viên trong cộng đồng sống có đạo lý, tôn trọng cộng đồng duy trì thuần phong mỹ tục, bảo vệ tự nhiên. Ngoài giá trị điều hòa và quản lý xã hội, luật tục Tây Nguyên còn chứa đựng nhiều giá trị khác như lịch sử, xã hội, văn hóa – và đó được xem là “cuốn bách khoa” về tri thức dân gian của các tộc người bản xứ. Từ đánh giá, nhìn nhận trên, nhiều ý kiến từ phía các nhà nghiên cứu cũng như nhà quản lý tại các tỉnh Tây Nguyên cho rằng: Bảo tồn, phát huy trên cơ sở kế thừa có chọn lọc để tạo ra những giá trị văn hóa phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới, chứ không bảo tồn và phát huy tất cả và bằng mọi giá. Phải giữ vững quan điểm bảo tồn và phát huy trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, hướng đến mục tiêu lấy văn hóa phục vụ tích cực cho lợi ích quốc gia nói chung và cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương nói riêng. Trong đó chú trọng tạo điều kiện, cơ hội để cho chủ thể vốn văn hóa Tây Nguyên được hưởng thụ và khẳng định sức mạnh nội sinh từ di sản lịch sử, văn hóa của mình nhiều hơn nữa. 

Sinh hoạt văn hóa trong mỗi gia đình người Êđê nhằm duy trì, gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của cộng đồng.

Theo đó, những cơ quan có trách nhiệm thực thi chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Tây Nguyên phải xác định rõ chủ thể vốn di sản lịch sử, văn hóa Tây Nguyên chính là đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây; tránh tình trạng  xây dựng, hoạch định và thực hiện chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội cũng như văn hóa cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo kiểu máy móc, rập khuôn như đã và đang xảy ra trên thực tế. Đó là đem một số mô hình kiểu mẫu áp dụng cho nhiều vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa và nhân văn khác nhau mà không hề có sự tham vấn, tìm được tiếng nói đồng thuận từ cộng đồng, nên không thể tạo động lực, hay nói đúng hơn là nội lực giúp người dân Tây Nguyên phát triển bền vững từ những giá trị lịch sử, văn hóa khác biệt và giàu bản sắc của mình.

   Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.