Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng gìn giữ bản sắc văn hóa Bru - Vân Kiều

08:59, 28/11/2022

Những người Bru - Vân Kiều từ miền Trung di cư lên Đắk Lắk và định cư tại xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã gần nửa thế kỷ. Theo sự biến chuyển của đời sống xã hội, đời sống văn hóa của người Bru - Vân Kiều có nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng, phong phú sắc màu.

Trân trọng giá trị hôn nhân gia đình

Một trong những nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Bru – Vân Kiều là vai trò của “người cậu/ông cậu” trong hôn nhân, cưới hỏi.

Theo phong tục, ông cậu là người am hiểu về phong tục tập quán, có uy tín nhất đại diện cho cả hai bên nhà trai, nhà gái.

Ông cậu thay mặt nhà trai đi lại thăm hỏi, bàn bạc với nhà gái. Đối với nhà gái, sau khi bố mẹ đồng ý với nhà trai tại lễ dạm ngõ thì sẽ xin ý kiến của ông cậu về chuyện hôn nhân.

Nếu ông cậu đồng ý thì mới tiếp tục những thủ tục, lễ nghi tiếp theo như lễ rước dâu, lễ cưới… Trong họ hàng, ông cậu có quyền quyết định quan trọng đối với việc lấy vợ, lấy chồng cũng như khi làm nhà, cúng bái của các cháu.

Điệu múa dân vũ của người Bru - Vân Kiều được biểu diễn tại ngày hội đại đoàn kết.

Theo thầy cúng Hồ Ngọc Chiểu, hay còn gọi là Páo Vinh (ở buôn Tà Cỡng), trong lễ cưới của người Bru – Vân Kiều không thể thiếu bộ đôi lễ vật là thanh kiếm và nồi đồng. Theo phong tục đám cưới, nhà trai sẽ trao cho nhà gái một thanh kiếm và một nồi đồng (trong đó có nén bạc).

Đối với thanh kiếm, người Bru – Vân Kiều quan niệm chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể rời nhau, như thể đôi vợ chồng cũng không thể thiếu nhau. Thanh kiếm biểu hiện cho sự gắn bó khăng khít của cặp đôi.

Bên cạnh đó, nó còn tượng trưng cho sức mạnh của chàng trai. Khi đã trao thanh kiếm cho nhà gái rồi thì nó trở thành tài sản quý giá của gia đình cô gái. Còn nồi đồng, nén bạc cũng được trao cho cô dâu, thể hiện sự giàu có, no đủ của gia đình, nồi đồng càng to càng thể hiện sự giàu có và sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà nhà gái.

Tiếp biến văn hóa

Trải qua thời gian, nét văn hóa của người Bru - Vân Kiều trên đất Ea Hiu vẫn giữ được bản sắc, nhưng cũng có nhiều thay đổi trong quá trình thực hành trong đời sống.

Thầy giáo Bôn Si Môn Ca Na An (ở buôn Tà Đỗ), người dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa người Bru - Vân Kiều chia sẻ rằng, rất nhiều khía cạnh của văn hóa đã thay đổi, từ văn hóa vật chất đến tín ngưỡng.

Từ ngôi nhà sàn đã thay bằng những ngôi nhà gạch, các lễ cúng đã mất dần đi, hầu như chỉ còn diễn ra trong các gia đình; và vai trò của ông cậu, nét đẹp văn hóa truyền thống hiện nay rất mờ nhạt, không can thiệp vào việc dựng vợ, gả chồng của các cháu. Bởi hiện nay các thủ tục trong đám cưới đã được giản lược, các bạn trẻ tự do trong chuyện yêu đương, cưới xin.

Thầy cúng Hồ Ngọc Chiểu giới thiệu về thanh kiếm và một nồi đồng, lễ vật của nhà trai trao cho nhà gái trong lễ cưới của người Bru - Vân Kiều.

Thủ tục trao bộ đôi thanh kiếm và nồi đồng trong đám cưới vẫn còn được duy trì, nhưng đã giản lược khá nhiều, như sau khi nhận kiếm, nhà gái chỉ giữ tượng trưng rồi trả lại cho nhà trai. Và không phải chàng trai nào đến tuổi lấy vợ đều có thanh kiếm mà có thể mượn của bạn bè, người trong dòng họ để sử dụng trong lễ cưới. Nồi đồng hiện nay cũng mang ý nghĩa tượng trưng, ít được dùng trong cuộc sống gia đình; nén bạc cũng được thay bởi vàng hoặc tiền…

Với sự phát triển của xã hội và sự giao thoa văn hóa, sự biến đổi văn hóa là điều tất yếu, nhưng người Bru – Vân Kiều vẫn trân trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sự trân trọng ấy thể hiện qua những người con Bru – Vân Kiều vẫn say mê nghiên cứu, thực hành, trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc cho con cháu, như thầy An nghiên cứu về chữ viết, câu đố, luật tục; Páo Vinh tích cực tham gia truyền dạy đánh chiêng, các hoạt động văn hóa trong và ngoài huyện, chỉ dạy ý nghĩa các bài cúng, lễ nghĩa… Họ ước muốn sẽ có một thế hệ kế cận, kế thừa được những tinh hoa và tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hy vọng với sự nỗ lực của người dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bản sắc văn hóa độc đáo của người Bru – Vân Kiều tại Đắk Lắk nói chung và tại xã Ea Hiu nói riêng sẽ được bảo tồn và phát huy, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng của các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.