Multimedia Đọc Báo in

Người đẹp Tây Nguyên qua di sản ảnh

08:22, 28/11/2022

Sử thi của các dân tộc Tây Nguyên đã dành nhiều mỹ từ, hình tượng để ngợi ca nét đẹp của người phụ nữ. Anh hùng và mỹ nhân là cặp đôi mang tính biểu cảm cao như Đam San và H’Nhí trong sử thi (khan) của người Êđê hay Yang và Bing trong sử thi Ót Ndrong của người M’nông.

Vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên còn được thể hiện khá ấn tượng, đẫm chất nhân văn trong nghệ thuật điêu khắc gỗ. Về sau, khi người Pháp mang kỹ thuật nhiếp ảnh đến Việt Nam, thiên nhiên, con người và văn hóa Tây Nguyên cũng được đưa vào khung ảnh.

Các thiếu nữ Tây Nguyên vốn sở hữu nét đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng cháy của cao nguyên đại ngàn. Nét đẹp đó được tái hiện sinh động trong sử thi với bộ ngực căng tròn đầy sức sống - một vẻ đẹp thiên tính nữ, biểu tượng cho quyền lực mẫu hệ và sự phồn thực. Trong sử thi của dân tộc J’rai có câu: “Khuôn ngực em cởi trần/Cả làng ta bốc cháy”. Ca dao, tục ngữ các dân tộc cũng có những câu ví von giàu hình ảnh: “Em đẹp như hoa dưa tháng ba” (M’nông) hay “Em đẹp như hoa Pơ lang” (J’rai). Vẻ đẹp thiên tính nữ này còn được thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc ở nhà ở, nhà làng, nhà mồ của dân tộc Êđê, J’rai, Bahnar...

Nét đẹp của những cô gái Êđê, ảnh chụp vào năm 1922.

Trong kho tàng tư liệu, thư tịch của người Pháp có nói đến nhiều phụ nữ Tây Nguyên chẳng những giỏi giang mà còn đẹp người đẹp nết. Người phụ nữ đẹp nổi tiếng một vùng được nói đến chính là bà Yă Wam. Tương truyền, Yă Wam gốc dòng K’pă thuộc dòng họ phó vương của Vương quốc Thủy Xá và Hỏa Xá. Bà được mô tả là người có dáng khá chuẩn, cao lớn mà ngày nay gọi là “chân dài”. Chẳng những xinh đẹp, giàu có và giàu lòng nhân ái mà còn là nữ tù trưởng này có ảnh hưởng, quyền lực nhất định, từng cai quản một vùng đất rộng lớn suốt từ Buôn Đôn, Ea Súp đến Cư M’gar, Krông Búk... Bà Yă Wam đã từng cắt đất dọc ven sông Sêrêpốk cho Khăm Thu để lập làng mới, nay là khu vực Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Bà được người Lào, người Xiêm kính nể và so sánh ngang với thế lực Thủy Xá, Hỏa Xá ngày xưa.

Bên cạnh tư liệu thành văn, trong kho tàng di sản ảnh về Tây Nguyên có nhiều hình ảnh mô tả nét đặc trưng của người phụ nữ các dân tộc bản địa Tây Nguyên ngày xưa. Tiêu biểu như bức ảnh thuộc bản quyền của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ được chụp vào năm 1921. Trong ảnh có hai người phụ nữ mặc xà rông; trên đầu thì búi tóc; cả hai đều đeo nhiều vòng trang sức trên cổ, ở cổ tay và ở chân. Người phụ nữ bên trái thì mang gùi trên lưng, người phụ nữ bên phải thì địu con trên lưng. Những bức ảnh khác cũng được chụp khá sớm vào năm 1922 được lưu trữ tại Thư viện ảnh Đông Dương, đáng kể là bức ảnh chụp chân dung và trang phục của các cô gái Êđê tại khuôn viên Dinh Công sứ, Ban Mê Thuột. Đây là những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật, bắt được cái thần thái của sơn nữ khiến người xem ảnh mường tượng đến những nàng H’Nhí, H’Bhí trong sử thi Đam San.

Người mẹ trẻ dân tộc Bhanar cho con bú với chiếc vòng cổ tay đặc trưng.

Người đẹp Tây Nguyên chẳng những thu vào ống kính của các nhà nhiếp ảnh tiền bối mà còn tôn vinh qua cuộc thi sắc đẹp dành cho sơn nữ đương thời. Cuộc thi người đẹp các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được ghi nhận qua bức bưu ảnh (postcard) dán con tem “Postes Indochine”, đóng dấu bưu điện Đà Lạt từ năm 1935. Đây là bức ảnh ghi lại một cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho “những bông hoa rừng núi” diễn ra tại Đà Lạt đầu thập niên 1930. Có khoảng 20 thiếu nữ tham dự cuộc thi đứng trên dãy ghế cao, mắt họ cùng nhìn về một hướng; xung quanh trên triền đồi có khá đông khán giả đứng, ngồi chăm chú theo dõi. Nhìn tấm bưu thiếp thấy đầu tóc các thiếu nữ được bới gọn cùng một kiểu dáng, trên cổ đeo nhiều dây trang sức bằng hạt cườm, hai bên cổ tay đeo nhiều vòng trang sức. Điều đặc biệt, các sơn nữ dự thi để ngực trần, bên dưới quấn xà rông bằng loại vải thổ cẩm mà họ tự dệt.

Phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên là đề tài hấp dẫn của các nhà nhiếp ảnh đi trước. Họ không chỉ nắm bắt khoảnh khắc của ánh mắt, nụ cười, động tác làm lay chuyển trái tim người thưởng ngoạn mà còn ghi lại hình ảnh của người phụ nữ các dân tộc trong cuộc sống đời thường, lao động sản xuất, sinh hoạt lễ hội. Đó là cảnh chị em bên khung dệt, xa quay sợi, mang quả bầu lấy nước ở bến nước, mang gùi trên lưng hay tham gia nhảy múa, vỗ đàn klong put...

Những bức ảnh xưa lưu lại đậm nét vẻ đẹp của người phụ nữ các dân tộc là nguồn tư liệu để đối sánh giữa quá khứ và hiện tại. Vẻ đẹp của sơn nữ không phai nhạt mà được phát huy trong cuộc sống đương đại với những gương mặt xứng danh Hoa hậu, đại diện cho dung nhan mặn mà của người con gái Tây Nguyên như H’Hen Niê. Ngày nay, với phương tiện kỹ thuật hiện đại, lưu trữ, phát hành, chia sẻ trên mạng xã hội, các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên ngày càng góp phần làm phong phú thêm kho tàng nhiếp ảnh Tây Nguyên, trong đó chiếm số lượng khá lớn là hình ảnh ca ngợi, tôn vinh những bông hoa của rừng núi đại ngàn.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.