Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm tháp cổ bên dòng Nậm Nơn

09:29, 29/11/2022

Bản Xằng Tợ (tức bản Yên Hòa) thuộc xã Mỹ Lý nằm giữa ngút ngàn thung lũng là một trong những bản làng xa nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào. Ít ai biết rằng ở nơi đây có một tòa tháp cổ được gọi theo tên bản là tháp Xằng Tợ có những nét kiến trúc độc đáo.

Nhờ cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp liên hệ thuê xuồng máy của người dân ở bản Xiêng Tằm ngược dòng Nậm Nơn trong khoảng gần nửa giờ, chúng tôi mới đến được bản Xằng Tợ. Xuồng vừa cập bến, từ dưới mạn thuyền ngước lên đã  thấy thấp thoáng một ngôi tháp cổ mọc sừng sững giữa những nếp nhà sàn của bản làng ven sông.

Đó là một toà tháp cao khoảng 31 m đứng trơ trọi giữa một bên là bờ rào Trường Mầm non Mỹ Lý, một phía là những mái nhà sàn dựng san sát nhau. Dây điện từ nhà này nối qua nhà kia đều bám vào cành cây mọc ngang từ kẽ đá trên thân tháp. Cách vài chục mét có một cây bồ đề sum suê cao gần bằng ngọn tháp. Dưới tán cây, trên nền nhà thờ xưa đã bị sập có một bàn thờ bằng xi măng đơn giản với tượng Phật bằng đồng và bát nhang lạnh càng tăng thêm vẻ u huyền, tịch mịch. Trên tháp cổ có nhiều hoa văn, thân tháp gắn phù điêu, tượng Phật, La Hán, tiên nữ Apsara và tình tiết trong Phật thoại bị rêu phong phủ mờ. Nhiều bức tượng đang bị đứt gãy. Một số chỗ bị trợt vữa, chân và thân tháp bị đục thủng.

Ngôi tháp cổ ở bản Xằng Tợ.

Người dân trong bản Xằng Tợ cũng không biết ngọn tháp này có từ bao giờ; ngay cả người cao niên nhất là cụ Lô Văn Tiếp cũng cho biết từ thời ông nội của cụ đã thấy ngọn tháp mọc sừng sững giữa bản làng. Qua tìm hiểu được biết, đa số cư dân trong khu vực này đều là người Thái Phuôn, vốn là một nhánh của cộng đồng dân tộc Thái Lào có tín ngưỡng Phật giáo hệ phái Tiểu Thừa. Bởi thế, trước đây khi tháp còn nguyên vẹn, họ thường ra chân tháp cổ tổ chức các trò chơi dân gian vào những ngày lễ hội. Những phù điêu trên thân tháp mang phong cách nghệ thuật tôn giáo của người Thái Phuôn. Nếu có dịp đến viếng các ngôi chùa cổ ở Xiêng Khoảng (Lào) chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nét tương đồng. Trong khuôn viên tháp có am thờ, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, nay chỉ còn một cây bồ đề vốn là một nhánh mọc lên từ cây mẹ bị gãy đổ. Trên đỉnh tháp có một “mắt ngọc” thường phát ra ánh sáng lạ mỗi khi đêm về. Nhưng giờ đây, mắt ngọc linh thiêng đã bị ai đó bắn vỡ, chân tháp đã sạt lở trơ ra những viên gạch đỏ thẫm, trên thân tháp có rất nhiều lỗ đục do bọn trộm cắp cổ vật gây ra. 

Ngước nhìn những bức phù điêu còn lại không nguyên vẹn với những hình cánh sen vỡ nát, hình Phật đứt ngang mình, ngựa Kiền Trắc mất chân, tiên nữ Apsara tay cụt... khiến chúng tôi không khỏi xót xa, tiếc nuối cho quá khứ vàng son của một vùng đất văn hóa Mường Phuôn xưa cũ. Tại khu vực xã Mỹ Lý, trước đây còn có năm tòa tháp nhưng đã sụp đổ mất bốn, chỉ còn lại tòa tháp bản Yên Hòa này. Theo nhiều tài liệu ghi lại cho rằng, khu vực xã Mỹ Lý thuộc Mường Xén xưa là trung tâm Phật giáo của Mường Phuôn, nhân dân ở đây rất sùng mộ đạo Phật, chắc chắn đây từng là mảnh đất phồn thịnh.

Giữa đống vôi vữa đổ nát, tôi bỗng nhìn thấy một mẩu phù điêu có dòng chữ Khỏm cổ khắc dòng kinh Pali đọc là Ukasa, nghĩa là "Xin một cơ hội". Dường như sự linh thiêng của toà tháp và cũng là tâm nguyện của người dân muốn xin một cơ hội để bảo tồn di tích độc đáo giữa miền biên cương này chăng? Cô Vi Thị Thoan, giáo viên Trường Mầm non Mỹ Lý 2 tâm sự: "Bản mình có tháp cổ độc đáo, tôi tự hào lắm, nên nếu tháp bị đổ thì buồn và tiếc vô cùng".

Lãnh đạo Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, địa phương đã có kế hoạch tôn tạo lại tháp cổ tại xã Mỹ Lý, để trở thành một điểm du lịch tâm linh cho du khách ghé thăm khi về với huyện biên giới này. Đặc biệt, bản Yên Hòa hiện đang là một trong những địa điểm phát triển du lịch cộng đồng mạnh của địa phương. Vì vậy khi ngọn tháp được tôn tạo nơi đây sẽ càng thu hút du khách.

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.