Thế giới kỳ thú và bài học ý nghĩa từ “Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ”
Nhà văn Nguyễn Hồng Chiến có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi như: Chuyện kể người đi săn (1996), Đội lốt (2002), Zàng phạt (2003), Bí mật rừng thiêng (2010), Bí mật H’Loan (2016), Sóc vàng núi thần cọp (2021).
Truyện của Hồng Chiến thường gắn kết giữa đề tài thiếu nhi và không gian núi rừng, văn hóa Tây Nguyên; cốt truyện nhẹ nhàng, nội dung tác phẩm có giá trị giáo dục và ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong truyện vừa “Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ” (NXB Kim Đồng, 2022).
"Chuồn Chuồn ớt tìm mẹ” là một thiên đồng thoại với các nhân vật là cỏ cây, hoa lá, côn trùng, chim muông, thú vật và các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, gió, mặt trời… được nhân cách hóa sinh động. Truyện được cấu tạo thành 13 mục, mỗi mục đều có tiêu đề như một truyện ngắn độc lập, tạo ra sự đa dạng và thống nhất cho tác phẩm và phù hợp với trình độ tiếp nhận của bạn đọc thiếu nhi.
Truyện kể về hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt từ một bé Bọ Ăn Mày ở xóm Bùn, trải qua bao gian nan, vất vả và hiểm nguy, cho đến lúc trở thành Chuồn Chuồn Ớt và hiểu được vòng đời sinh tử của giống loài. Qua cuộc hành trình ấy, cả thế giới sự vật kỳ thú được mở ra trước đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên của Chuồn Chuồn Ớt. Đó là một xóm Bùn chật chội và đông đúc các loài cùng chung sống: Bà Hến, cô Ốc Nhồi, bà Ngao, đàn Cá Mương, cụ Cá Chép, lão Cá Chuối, con Cá Trê, anh em nhà Bọ Ăn Mày, chị Gió. Không gian sân trường với ông Mặt Trời, bà Mùa Hè, cô Mùa Thu, cô Gió, anh Mây, bác Phượng Già, cô Phượng Trẻ, họ hàng nhà Sẻ, Ve Sầu, hạt Sỏi… Ra khỏi mặt nước xóm Bùn, một không gian rộng mở, thoáng đãng hiện ra với hình ảnh: “… ông Mặt Trời tròn như chiếc đĩa, bốc cháy dữ dội. Sau lưng ông Mặt Trời, bầu trời xanh lơ, hiền hoà, thân thiện hiện ra” (Bọ Ăn Mày). Bạn đọc thiếu nhi sẽ cùng Chuồn Chuồn Ớt khám phá bao điều mới mẻ về thiên nhiên, cây cỏ, muông thú. Như mùa hè khi sân trường vắng vẻ: “Căn cứ theo đường đi của ông Mặt Trời mà người ta chia theo mùa: khi ông đi qua đầu chúng ta, tạo ra cái bóng tròn dưới chân, đấy là mùa hè” (Thế nào là mùa hè). Thế giới loài chim cũng thật phong phú, đẹp đẽ và vui nhộn: Hình ảnh những con chim Chào Mào, chim Cu Xanh, đàn Sáo Nâu rất đẹp ăn những quả đa chín và ríu rít bàn luận về “Của để dành” của bác Phượng Già; loài chim K’tia (Chim Vẹt) với “cái mỏ rắn chắc như thép” đặc biệt lắm lời và “giỏi ngoại ngữ nhất”; mụ Diều Hâu dũng mãnh và rất tàn ác, chuyên đi săn bắt các loài chim nhỏ; loài chim Ông Đầu Bạc “trên đầu và bụng chim có lông màu trắng, điểm quanh cổ một chiếc khăn màu tím đen, lưng, cánh có lông màu xám” (Xóm Bằng Lăng)… Những loài vật xuất hiện ngày càng đông đúc: Thạch Sùng, Tắc Kè, các loại Rắn và đủ loại Chuồn Chuồn: Chuồn Chuồn Ngô, Chuồn Chuồn Đá, Chuồn Chuồn Kim, Chuồn Chuồn Ớt, Chuồn Chuồn Nâu… với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau.
Lần theo hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt, các em thiếu nhi còn biết được nhiều điều mới lạ về đặc điểm, hình dáng, màu sắc, tập tính riêng của của các loài động thực vật; sẽ vỡ ra bao điều thú vị và còn rút ra được bài học nhận thức quý giá: “Mọi việc thấy rồi phải suy nghĩ nữa mới phân biệt đúng sai, vội vàng nhận xét thường mắc sai lầm” (Mây và gió). Mối quan hệ giữa sự vật và ý nghĩa cuộc sống cũng được gợi ra một cách tự nhiên: “… cô Bướm đang làm việc rất có ích là giúp các bông hoa đơm trái (…) Nếu không có gió, ai mang mây, mang mưa đến cho mọi người có nước uống (…). Từ những mối quan hệ giữa các “nhân vật”, các em rút ra được bài học về tình bạn: “Họ vừa mới quen nhau mà đã sẵn sàng cứu giúp nhau khi hoạn nạn, dù bản thân phải phải chấp nhận bao nhiêu vất vả, nguy hiểm” (Gió ốm) và ý nghĩa của cuộc sống: “Trong cuộc sống, không ai dùng thời gian sống dài hay ngắn để đo sự cống hiến đâu, mà phải xem quãng đời đã sống, sống thế nào, có ích gì cho những người xung quanh không; điều đó mới quý chứ” (Hoa Phượng đi đâu). Tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ thiên nhiên, niềm trắc ẩn của con người khi thiên nhiên bị tàn phá cũng được gợi ra: “Khi cành cây bị con người cưa, vợ chồng Chèo Bẻo bay vút ra khỏi tổ cuống quýt chao lượn xung quanh tán cây như muốn níu kéo, giữ cành cây lại” (Con Tắc Kè cụt đuôi). Đó chính là ý nghĩa giáo dục khá sâu sắc của tác phẩm.
Bằng sự trải nghiệm đời sống phong phú, năng lực quan sát tinh tế và trí tưởng tượng dồi dào, bay bổng, nhà văn Hồng Chiến đã sáng tạo một thế giới kỳ thú trong tác phẩm vừa gần gũi, thân thiết lại vừa mới mẻ, lạ lẫm với trẻ em. Tác giả thành công trong nghệ thuật dựng truyện, kết cấu hợp lý, nghệ thuật miêu tả linh hoạt, sinh động, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý và nhận thức của trẻ em. Hạn chế dễ nhận thấy là tác giả xây dựng nhân vật còn khá đơn giản, thiếu chiều sâu, diễn biến tâm lý nhân vật còn chưa thật sinh động, chủ yếu lấy việc miêu tả ngoại hình, hành động để thể hiện nhân vật.
Dù vậy, “Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ” là một truyện thiếu nhi thành công của Hồng Chiến, một đóng góp có ý nghĩa của tác giả đối với văn học thiếu nhi Đắk Lắk.
Nguyễn Phương Hà
Ý kiến bạn đọc