Multimedia Đọc Báo in

Hồn xưa níu giữ

08:59, 15/01/2023

Tết năm nào cũng vậy, ngay cả thời bao cấp khốn khó, vợ chồng tôi vẫn cố gói bánh chưng, bánh tày rồi hì hục nấu, canh củi lửa cả đêm. Có lẽ đó là cái tình, cái nghĩa đối với tổ tiên đã thấm vào máu thịt chúng tôi, từ hồi tóc còn để chỏm. Trong rất nhiều cái hấp dẫn của Tết Việt, có hình ảnh của bánh chưng, bánh tày.

Tôi vẫn nhớ như in “quy trình” làm bánh của cha mẹ tôi cách đây hàng nửa thế kỷ. Đầu tiên, mẹ chuẩn bị gạo nếp vừa mới thu hoạch từ vụ chiêm, đãi cho đến khi nước gạo trong veo rồi ngâm nước giếng chùa lấy từ làng bên về trong vắt. Nhân bánh là thịt ba chỉ của con lợn nuôi cả năm trời vừa đụng với hàng xóm hồi sáng sớm, đậu xanh ngâm từ tối hôm qua, đãi sạch vỏ, luộc chín giã nhuyễn còn hành tím thì thái lát xào sơ một lượt.

Cha tôi ra sau vườn chọn những tàu lá chuối to, đẹp nhất cắt vào dựng bờ rào phơi dưới nắng hanh mùa đông hiếm hoi; năm nào không có nắng thì đốt rơm lên hong để cho lá dẻo không bị rách, gãy. Rồi rọc lá, lau sạch bụi, xếp thành cuộn.

Cả nhà cùng gói bánh.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy, cha trải chiếu giữa nhà, ngồi xếp bằng, cẩn thận vuốt từng phiến lá, gấp uốn gọn gàng, không cần khuôn mà mười tấm bánh vẫn như một, tăm tắp. Đây là công đoạn khiến cho bọn trẻ chúng tôi thích thú bởi thế nào cũng được cha gói cho mỗi đứa một cái bánh tí hon.

Nhưng háo hức, chờ đợi nhất vẫn là lúc bánh đã gói xong, xếp vào nồi, bắc lên bếp để luộc. Quây quần bên bếp lửa ấm giữa cái lạnh cắt da ngày giáp Tết, nghe nồi bánh sôi sùng sục, hít hà mùi thơm đặc biệt, mỗi năm chỉ có một lần, bắt đầu tỏa ra thoang thoảng hòa trong tiếng pháo đì đùng từ trong xóm vọng lại, khiến cho không khí ngày Tết đang đến rất gần càng thêm ấm cúng và háo hức.

Chẳng hiểu sao ngày ấy, các cụ lại thường hay chọn đêm cuối năm để nấu bánh chưng. Có lẽ do thời ấy, đồng hồ là thứ xa xỉ, hiếm hoi ở thôn quê, ra-đi-ô thì chẳng có nên người ta lấy việc nấu bánh để đo thời gian, sao cho đến khi bánh chín thì cũng là lúc đất trời chuyển giao thời khắc thiêng liêng năm cũ sang năm mới, dâng tấm bánh nóng hổi lên bàn thờ gia tiên? Thế cho nên, nói là đón giao thừa, chứ chẳng ai biết được đích xác phút giây thiêng liêng đó đến vào lúc nào. Nó được đánh dấu bằng tiếng pháo. Tiếng pháo ban đầu đì đùng lẻ tẻ. Rồi rộ khắp làng trên xóm dưới. Bốn phía nhà đều rộn ràng tấu lên lúc giòn giã, lúc lắng xuống bản hòa âm đặc biệt ấy của Tết. Thỉnh thoảng lại giật mình, cảm giác như nhà cửa rung lên bởi ai đó vừa đốt mấy quả pháo lói, tiếng lộng như bom thời chiến tranh phá hoại.

Thứ âm thanh chờ đợi cả năm, mê hoặc lòng người nhất là con trẻ ấy, cứ thế kéo dài mãi, cho đến gần sáng vẫn còn nghe đì đùng. Chắc là ai đó ngủ quên, bị đánh thức bởi tiếng pháo, mới giật mình sực nhớ rồi vội vàng thực hành cái thủ tục đã chuẩn bị và háo hức chờ đợi từ mấy hôm trước, khi Tết mới dập dìu ngoài ngõ xóm.

Trong tâm thức của người Việt tự ngàn đời nay, bánh chưng là thứ đặc biệt không thể thiếu trong ba ngày Tết. Nó không đơn thuần chỉ là món ăn – một món ăn tuy dân dã nhưng tinh khiết, thơm tho, sản phẩm của nền văn minh lúa nước lâu đời – mà còn là biểu tượng của Tết Việt; biểu tượng của sự sum họp, đầm ấm; là một phần của đời sống văn hóa tinh thần của cha ông.

Bởi thế, tôi cũng như bao người khác - giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại, giữa ngập tràn những “cao lương mỹ vị” của thời mà cái ăn không còn là nỗi lo lắng, thèm khát – vẫn níu giữ hồn xưa của cha ông để mỗi khi Tết đến lại hì hục chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, bành tày.

Thời nay, bánh chưng không chỉ ba ngày Tết mới có. Bất cứ lúc nào bạn cần đều được đáp ứng. Bánh chưng, bánh tày trở thành hàng hóa. Gia đình thời hiện đại nhiều người không gói bánh chưng dịp Tết nhưng trên bàn thờ thì hầu như nhà nào cũng có cặp bánh để thờ ông bà, tiên tổ. Hồn dân tộc gửi gắm qua tấm bánh mang nét đặc trưng văn hóa Việt, nó vẫn được gìn giữ bởi lòng tôn kính tiền nhân. Đó là biểu hiện của sự trân trọng giá trị văn hóa lâu đời, của lòng hiếu để đối với ông cha.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.