Nếp nhà, quê xứ của tôi
Mỗi năm Tết đến, tôi lại về thăm quê - và đây cũng là dịp để tôi nhìn lại nếp nhà, quê xứ của mình qua nhiều biến chuyển của thời gian. Những gì mất, còn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của mỗi gia đình đều hiện rõ qua những ngày Tết. Nhìn vào đó để biết được đâu là cội nguồn gia đình, dân tộc trong dòng chảy lịch sử xưa nay.
Mạ tôi ít học nên làm sao rốt ráo được thế nào là truyền thống, là cội nguồn dân tộc, nhưng mỗi khi Tết về quây quần bên con cháu, bà chỉ nói một câu “ông bà dạy xưa bày, nay làm” là mọi người hiểu thấu sự khuyên răn ấy mà không cần phải sách vở, lý luận gì thêm về thực tiễn gìn giữ, kế thừa và phát triển những gì mà tiền nhân để lại. Nhìn mạ tôi gói bánh, làm dưa, sắp đặt hương hoa, quả phẩm trên bàn thờ gia tiên, am miếu khắp nơi trong những ngày giáp Tết bằng thái độ, tình cảm chân thành khiến tôi hiểu sâu sắc thêm điều đó. Có phải điều không dễ dàng nhận ra thế nào là “gìn giữ và kế thừa” mà chúng ta từng nghe nói suông giờ được nhìn thấy tận mắt qua việc làm của mẹ tôi cũng như những bà mẹ Việt Nam khác trong thời khắc, không gian gần gũi và thiêng liêng ấy?
Minh họa: Trà My |
Nếp nhà, quê xứ của tôi là mảnh ghép trong bức tranh lịch sử, văn hóa đa sắc màu của dân tộc. Truyền thống, cội nguồn luôn được gìn giữ, kế thừa qua những cử chỉ, suy nghĩ cụ thể và thân tình. Nhìn bàn thờ gia tiên trong ngày Tết với nải chuối, đĩa trầu cau, hoa quả, bánh mứt, hương trầm quyện thơm lên đôi câu đối mà mạ tôi ước ao, chắt chiu được cả năm trời - nay mới bày ra, trước là dâng cúng ơn trên, sau là đãi đằng con cháu, khách khứa… tôi mới rõ “mười mươi” Tết Việt và rộng hơn là văn hóa Việt được kết tụ, truyền đời qua những bể dâu, đoạn trường lịch sử - và cũng nhờ thế, tôi nghiệm ra ý tứ thâm sâu của những bậc thức giả rằng: Trong chiều dài lịch sử của đất Việt, dù có lúc mất nước, nhưng chưa bao giờ mất làng! Bởi vì ở đó, trong tâm tưởng mỗi người, mỗi nhà đều không xa rời cội nguồn, quê xứ của mình.
Tôi đi nhiều và có chút ít kiến thức để biết rằng đất nước này từng trải hơn nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm bị thực dân đô hộ với những cuộc đồng hóa bạo ngược của thế lực ngoại xâm. Thế nhưng, từ mỗi gia đình, làng mạc, xóm giềng trên quê xứ của tôi vẫn tìm cách tồn tại, rồi gầy dựng, ảnh hưởng trong tâm thế tự biết hòa nhập, đào thải, thẩm thấu và gạn lọc với bao nền văn hóa dị biệt khác để sinh tồn và phát triển. Trước điều đó, với mạ tôi cũng như nhiều phụ nữ chân quê khác hoàn toàn không thể biểu đạt được, nhưng trong suy nghĩ, hành xử của họ thì quá rõ - không những cho riêng tôi, mà cho tất cả mọi người cảm nhận và xác tín về lý lẽ trên.
Hơn thế, trong quá trình sinh tồn, và phát triển ấy, tôi nhận ra cái tình trong giao tiếp (đối nội lẫn đối ngoại) là trọng tâm, là sức mạnh cố kết gia đình, chòm xóm và cộng đồng dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chẳng thế mà cụ Đào Duy Anh khi “Tổng luận về những đặc trưng tính cách Văn hóa Việt Nam” đã xếp đặc điểm giao tiếp lấy tình làm trọng là “bản vị” trong văn hóa giao tiếp Việt Nam. Cụ Đào tinh tế nhận ra: “Suy từ nụ cười, chúng ta thấy người Việt Nam có một sự quân bình đặc biệt xuyên suốt trong mọi ngành sinh hoạt, khiến họ chấp nhận hợp lý được mọi quan niệm, dung hòa được mọi ý kiến dị đồng. Đời sống của dân tộc họ, dù có chiến thắng cũng không hân hoan tột độ, và dù chiến bại cũng không bi đát tột cùng”. Tôi đã chứng thực tổng kết văn hóa ấy trong những nếp nhà, quê xứ của mình - từ cái tình trong giao tiếp đến nụ cười thân thiện và an lạc đều hiển hiện trong tâm thế, cốt cách mọi người, nhất là trong những ngày Tết, được “tay bắt mặt mừng” chúc mừng nhau năm mới.
Tôi luôn tin như thế và mong ngày Tết lại được trở về với mạ, với làng quê hiền hòa ven phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế để không những được nhìn lại và chạm mặt với nỗi nhớ quê nhà, mà còn được nghe giọng Huế của những o, những chị, những em trong mùa xuân này: “Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát/ kể mọi điều bằng rối rít âm thanh/ như gió nước không thể nào nắm bắt/ dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ dấu hỏi dựng giữa ngàn đời lửa cháy/ một tiếng vườn rợp lá cành ươm/ nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối/ tiếng heo may gợi nhớ những con đường… (Tiếng Việt - Cố nhà thơ Lưu Quang Vũ).
Tháng 12/2022
Tùy bút của Đình Đối
Ý kiến bạn đọc