Multimedia Đọc Báo in

Niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của Tis

08:54, 26/01/2023

Bằng tình yêu và khả năng cảm thụ âm nhạc, chàng trai Tis (SN 1993, dân tộc Xê Đăng) đã “truyền lửa” đam mê nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đến nhiều người.

Đã từng học và dạy làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ, đến năm 2014, Tis chuyển hẳn sang lĩnh vực âm nhạc, tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa và chuyên tâm chế tác nhạc cụ dân tộc theo đơn đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật, du khách trong và ngoài nước… Tis là một trong số ít những người trẻ biết sử dụng, chế tác được khá nhiều nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên như đàn đá, đàn T’rưng, sáo vỗ…

Tis tham gia biểu diễn tại một hoạt động văn hóa ở huyện Krông Pắc.

Tis kể rằng, với niềm đam mê âm nhạc truyền thống, anh đã đến với nghề chế tác nhạc cụ dân tộc một cách tự nhiên. “Mình đã từng học sư phạm âm nhạc nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên bỏ giữa chừng để theo đuổi nghề mộc mỹ nghệ. Quá trình chế tác bản mô phỏng nhà dài truyền thống, chuông gió, nhạc cụ dân tộc, nhà rông… thôi thúc mình làm thử các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên và rồi bén duyên lúc nào không hay”, Tis bộc bạch.

Tis đã dành thời gian tham gia các sự kiện văn hóa của buôn làng, nghe già làng kể về lễ hội, nghệ nhân kể về cách sử dụng, cơ chế hoạt động, cách thức chế tác và thẩm âm từng loại nhạc cụ... Dựa trên những phiên bản cổ điển, anh lên mạng tìm kiếm, học hỏi thêm nhạc cụ hiện đại để sáng tạo, cải tiến trên nhạc cụ của mình. Từ đàn T’rưng truyền thống 6 - 16 ống, Tis chế tác được đàn có 46 ống; độ dài, ngắn mỗi ống khác nhau nhưng độ dày tương đương nhau; giúp người chơi có thể gõ được bản nhạc đúng điệu...

Tis kiểm tra đàn trước khi giao cho khách.

Ngoài ra, các nhạc cụ từ tre, nứa do anh làm ra có màu vàng rất đẹp nhờ sự đặc biệt do vật liệu và bàn tay lành nghề của thợ mộc mỹ nghệ. Anh cho hay, tre, nứa phải tuyển lựa kỹ từng vùng, từng cây; không quá non hay quá già (dễ bị bể, chai) mà phải đủ độ “chín” để vừa dẻo vừa bền. Do đó, hằng năm cứ vào độ tháng 12 anh lại đến Kon Tum để chọn tre, nứa bởi ở đây cây phát triển trên nền đất sỏi nên khi khô có màu ánh vàng rất đẹp; tre nứa đem về được cắt theo kích thước phù hợp cho từng loại nhạc cụ để xử lý kỹ càng bằng cách luộc với muối trong vài giờ nhằm khử độ đường trong nứa, hạn chế mối mọt… Với những nghệ nhân lớn tuổi, làm mỗi cây đàn T’rưng phải vài tuần, thậm chí vài tháng mới xong nhưng Tis chỉ cần 2 - 3 ngày nhờ sức trẻ (có thể làm việc liên tục trong nhiều giờ liền) và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cái khó nhất ở đàn T’rưng là phần chân đàn, bởi mỗi chiếc đàn có một chân đàn dành riêng cho nó, không thể chuẩn bị vật liệu từ trước như ống đàn. Tis đã nhiều lần thất bại, bởi nhạc cụ truyền thống đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, kỹ thuật chế tác tinh xảo; sự cạnh tranh của nhạc cụ hiện đại rất lớn nên ít người có thể gắn bó bền bỉ với nghề. Đó cũng là lý do mà Tis luôn dành nhiều thời gian về với buôn làng, về với lễ hội, tham gia sự kiện âm nhạc để học hỏi, chỉ làm nhạc cụ khi có đơn đặt hàng…

Bên cạnh đó, Tis còn biết chỉnh chiêng, sử dụng một cách khá bài bản và có khả năng truyền dạy người mua cách sử dụng các nhạc cụ nên ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng. Có những thời điểm, anh không có đủ vật liệu để làm đàn, phải hẹn khách mùa sau. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhạc cụ cổ đến mức anh có thể chế tác, sử dụng nhưng lại không biết tên gọi và có nhiều nhạc cụ khi tiếp cận được thì nó đã quá cũ hoặc có nhiều biến thể, đối mặt với nguy cơ thất truyền trong tương lai. Do đó, Tis dự định thời gian tới sẽ mở một điểm trưng bày nhạc cụ bản cổ và bản cải tiến để nghệ nhân có thêm cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.